Đầu tư Dự án PPP: Quy định rõ mức trần điều chỉnh

H.Vũ 20/04/2020 22:28

Ngày 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.

Qua thảo luận, nhiều ĐB băn khoăn về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Theo ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự thảo luật gửi xin ý kiến ĐBQH chuyên trách đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định: Khi tổng mức đầu tư dự án PPP tăng so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư vì cho rằng việc tăng tổng mức đầu tư sẽ làm thay đổi phương án tài chính cũng như hiệu quả của dự án PPP. Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cũng không được phép làm tăng tổng mức đầu tư. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ dự án, tránh tình trạng lách luật, cố tình lập dự án với tổng mức đầu tư thấp, sau khi được phê duyệt lại điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.

Còn phương án 2 quy định, để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, Dự thảo luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP.

Ông Thanh cho biết, theo báo cáo tổng hợp ý kiến các ĐBQH chuyên trách, có 7 ý kiến nhất trí phương án 1, 7 ý kiến nhất trí phương án 2.

Liên quan đến việc áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra phân tích: Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn, bắt đầu có lãi theo phương án tài chính. Do đó, Dự thảo luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc-Tổng Thư ký Quốc hội, trong điều chỉnh tổng mức đầu tư cần quy định tỷ lệ Nhà nước đầu tư bao nhiêu, doanh nghiệp bao nhiêu, vì sau thời gian biến động thì điều chỉnh tăng vốn đầu tư của Nhà nước lên. “Nước nổi thì bèo nổi, phải đều nhau. Tại sao sau một thời gian chỉ tăng vốn nhà nước, còn vốn nhà đầu tư không điều chỉnh? Cứ sau thời gian thực hiện dự án lại tăng vốn nhà nước lên dễ dẫn đến bị lợi dụng. Cho nên cần quy định, nếu tăng thì phải tăng đều”- ông Phúc chỉ rõ.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án PPP nên theo hướng để HĐND các tỉnh quyết định, gắn với trách nhiệm của địa phương vừa tổ chức thực hiện, vừa giám sát. “Nếu cái gì cũng áp đặt từ trên, bộ, ngành là khó. Cấp nào quyết định thì cấp đó điều chỉnh, và chịu trách nhiệm về việc đó. Cứ giao cho anh em chủ động chứ đừng lo mất tiền”- Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề chia sẻ rủi ro, bà Phóng đánh giá, chia sẻ rủi ro là vấn đề mang tính mở, nên ghi theo nhóm công trình để phân định và giao cho Chính phủ quy định. Đặc biệt, cần đảm bảo bình đẳng về mặt nguyên tắc là 50%-50%. Còn trong chia sẻ phần tăng doanh thu cần nghiên cứu sao cho hợp lý, tăng thu cũng phải 50%-50%. Chứ Nhà nước lấy 70% còn doanh nghiệp 30% là không ổn. Giảm thu chia sẻ 50%-50%, thì tăng thu cũng phải chia sẻ 50%-50% mới hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư Dự án PPP: Quy định rõ mức trần điều chỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO