Gian nan cuộc chiến chống Covid-19 tại những nước giàu

Trần Hoàng Tú 15/03/2020 08:00

“Mọi quốc gia cần phải công khai chiến lược của họ ngay bây giờ”- hôm 12/3, ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh khi tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Còn ông Tedros Adhanom Ghebreyesus -Tổng Giám đốc WHO nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động”. Tổng giám đốc WHO từng bị chỉ trích kể cả cáo buộc rằng đã “quá lạc quan về Covid-19”, thì nay lại nói: “Trong hai tuần gần đây, số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3. Trong những ngày và tuần sắp tới, chúng tôi cho rằng số lượng ca nhiễm, ca tử vong và các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ thậm chí tăng cao hơn”.

Như vậy cuộc chiến chống Covid-19 ngày càng trở nên gian nan, cho dù tại Trung Quốc lục địa số người nhiễm mới cũng như số người chết giảm. Vì rằng, với châu Âu và nước Mỹ thì tình hình đã rất khẩn cấp.

Gian nan cuộc chiến chống Covid-19 tại những nước giàu

Một người đeo khẩu trang đứng trước tháp Eiffel ở thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: Reuters.

Liệu WHO có “chậm chạp”?

Thông báo của WHO trên Twitter: “WHO đã đánh giá đợt bùng phát dịch này toàn diện và chúng tôi đang quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan lẫn gây hại đáng báo động của nó, và về mức độ không hành động đáng báo động… Vì vậy chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được xem như đại dịch”. Cùng đó, Tổng giám đốc WHO cũng “không quên nhắc nhẹ” lãnh đạo một số quốc gia đã không hành động nhanh và mạnh, nên đã để dịch lây lan.

Nhận xét về tuyên bố đại dịch của WHO, Đài Fox News dẫn lời bác sĩ William Schaffner- Giám đốc phụ trách y tế của Tổ chức quốc gia về dịch truyền nhiễm (NFID), nói rằng “họ đã dùng thuật ngữ ‘đại dịch’ để mô tả một loại virus mới xuất hiện và lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó nghĩa là virus mới đang lan rộng và lây lan nghiêm trọng ở các quốc gia đó, nhưng nó không đủ cho chúng ta biết mức độ nghiêm trọng của virus này”.

Nhận xét này được đánh giá là WHO vẫn không thật lường hết thảm họa. Nhận xét đó trái với tuyên bố của ông Mike Ryan- Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng các quan chức y tế phải nhìn chữ “đại dịch” một cách “rất nghiêm túc”, và nói thêm rằng “chúng tôi hiểu ý nghĩa của chữ này”.

Tuy nhiên, hiện WHO chưa công bố nhiều chi tiết về cách làm hay chiến lược sắp tới để khắp nơi hiểu được có gì xảy ra khi Covid-19 bị coi là đại dịch.

Cũng cần nhắc lại, trước đó WHO chỉ gọi Covid-19 là bệnh dịch (epidemic) thay vì đại dịch (pandemic). Đến ngày 28/2, WHO mới nâng mức cảnh báo lây nhiễm và ảnh hưởng của Covid-19 từ mức “cao” lên “rất cao” trên quy mô toàn cầu.

Cho đến khi Covid-19 lây lan tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì một câu hỏi đặt ra: Điều gì khiến WHO không gọi Covid-19 là đại dịch? Theo GS Gostin, có hai lý do khiến WHO không gọi Covid-19 là đại dịch (cho tới trước ngày 12/3): Thứ nhất: dịch bệnh vẫn có thể được ngăn chặn. Thứ hai: cố gắng tránh hoảng loạn không cần thiết. Và có lẽ vì thế mà một số quốc gia đã “chậm chân” trong vấn đề này.

“Vùng đỏ” lan rộng khắp châu Âu

Cho tới nay, châu Âu được coi là “vùng đỏ” của dịch Covid-19. Và hầu hết các quốc gia EU đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp, kể cả “phong tỏa cả quốc gia”, như trường hợp Italy.

Hơn 3 tuần trước, Italy chưa quá lo về dịch Covid-19, với chỉ 3 ca nhiễm. Nhưng giờ đây, Italy có số ca cao thứ hai thế giới.

Ngày 9/3 vừa qua, Chính phủ Italy tuyên bố các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có ở một nước phương Tây thời hiện đại. Cả nước bị phong tỏa, giới hạn đi lại cho đến ngày 3/4. Khu vực phong tỏa được gọi là “vùng đỏ” ban đầu chỉ giới hạn ở vùng Lombardy, thì cuối cùng cũng đã buộc phải mở rộng ra cả nước. Virus SARS-CoV-2 đã khiến hệ thống y tế nước này quá tải, đặc biệt ở vùng Lombardy. Hơn 80% giường bệnh ở vùng này được dành cho các bệnh nhân Covid-19- theo Bloomberg. “Bệnh viện quá tải bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc phụ nữ có thai và em nhỏ, bệnh nhân ung thư và HIV, hay các trẻ em cần tiêm vaccine sẽ đều không được chăm sóc đúng như họ cần”- theo Vox. Theo Richard Neher- nhà nghiên cứu Đại học Basel thì cuộc khủng hoảng quá tải y tế đang diễn ra ở Lombardy, một trong những vùng giàu nhất ở châu Âu, có thể lặp lại ở bất kỳ nước nào vào ngày mai, bao gồm cả Mỹ và các nước giàu có khác. Thật đáng sợ khi có tới 10% số các y bác sĩ vùng Lombardy bị dính SARS-CoV-2 trước khi họ kịp nhận ra dịch bệnh-Washington Post đưa tin từ ngày 3/3.

Còn theo ông Matteo Renzi- cựu Thủ tướng Italy thì virus chết người này đã lây lan 10 ngày trước khi Chính phủ hành động, và Chính phủ đã ở thế phản ứng bị động với dịch bệnh. “Ngày hôm nay, Italy là ‘vùng đỏ’, nhưng 10 ngày sau có thể Madrid, Paris hay Berlin rơi vào cảnh tương tự- ông Matteo Renzi nói với New York Times.

Đúng như cảnh báo của ông Matteo, nhiều quốc gia châu Âu tới nay đã “lên cơn sốt” chỉ vì Covid-19.

Sau Italy, giờ đến lượt Tây Ban Nha thành điểm nóng của dịch trong lãnh thổ châu Âu. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã vượt 4.200, trong đó có 120 người chết (tính đến 14/3). “Tính đến sáng 13/3, chúng ta ghi nhận 2.002 ca Covid-19”, theo điều phối viên các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha, ông Fernando Simon. Madrid là khu vực bị nặng nhất, chiếm khoảng 50% trên tổng số ca nhiễm toàn quốc và 31 trường hợp tử vong.

Tương tự, Covid-19 “cũng không ngần ngại gì” khi tấn công vào một loạt nước châu Âu khác. Trong đó có Pháp, Séc, Thụy Điển, Ireland, Albania… đều đã ghi nhận các ca tử vong do Covi-19.

Còn nước Mỹ thì sao?

Giáo sư Lawrence Gostin từ Viện O’Neill cho rằng một hệ thống y tế quá tải sẽ có hậu quả lớn. “Từ những dịch bệnh trong quá khứ, chúng ta đã biết rằng khi hệ thống y tế quá tải - nhiều người sẽ chết vì các bệnh khác hơn là vì bản thân dịch bệnh”- ông Lawrence nói với Vox. Tương tự, Steven Hoffman-Giám đốc phòng lab chiến lược toàn cầu tại Đại học York nói: “Sự nguy hiểm của một dịch bệnh là khi mọi người nhiễm bệnh cùng một lúc, hệ thống bệnh viện không tải nổi”.

Đây được coi là “tiên đoán” khó khăn cho nước Mỹ giàu có khi số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh. Đứng trước mối nguy nhãn tiền, ngày 13/3 Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn nước Mỹ. Theo giới chức Mỹ, tính đến ngày 14/3, quốc gia này có 2.500 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có 50 người chết.

Gian nan cuộc chiến chống Covid-19 tại những nước giàu - 1

Nhân viên y tế khử trùng tại Viện dưỡng lão ở Kirkland, Mỹ. Ảnh: AFP.

Đáng chú ý, truyền thông Mỹ cho rằng, dịch Covid-19 rất có thể lan rộng ở nước này chỉ vì người dân sợ tốn tiền xét nghiệm và phải nghỉ làm việc do bệnh. Quan trọng là do họ không có bảo hiểm y tế hoặc e ngại nguy cơ phải trả chi phí quá lớn. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi người dân tích trữ thuốc men nếu bị cách ly; người có các triệu chứng bệnh hô hấp nên ở nhà, nhưng khi đó người lao động sẽ không được trả lương.

“Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ và hợp đồng bảo hiểm y tế của nhiều người lao động không phù hợp để đối phó với một dịch bệnh lây lan nhanh”-Washington Post dẫn lời giáo sư Sabrina Corlette thuộc Đại học Georgetown. Các quỹ liên bang Mỹ trả chi phí xét nghiệm Covid-19 nếu dịch vụ thực hiện tại các phòng thí nghiệm y tế công liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. Nhưng chính sách này không áp dụng với xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu hoặc thương mại.

Như vậy, trong cả hai trường hợp, chính phủ Mỹ không trả các chi phí như khám bệnh hay cấp cứu dù gần 50% trong tổng số 160 triệu người dân Mỹ mua gói bảo hiểm với mức khấu trừ cao (số tiền người đóng bảo hiểm phải trả trước khi được thanh toán các chi phí còn lại). “Khấu trừ là thứ buộc người lao động phải suy đi nghĩ lại về quyết định đi khám khi bị bệnh. Khi một dịch bệnh bùng phát, việc người bệnh phải suy đi nghĩ lại về việc đi khám là điều cực kỳ nguy hiểm”- chuyên gia chính sách y tế Larry Levitt thuộc tổ chức Kaiser Family Foundation nói. Cũng chính vì thế, ông Thomas Inglesby- Giám đốc Trung tâm An ninh y tế thuộc Trường Y tế công Johns Hopkins cho rằng, ở những nước mà chi phí xét nghiệm quá lớn như Mỹ, việc xác định người nhiễm bệnh là một thách thức lớn.

Vì thế, cuộc chiến chống Covid-19 hóa ra lại nan giải đối với những quốc gia giàu có nhưng chính sách bảo hiểm y tế lại không thể linh hoạt vì bị các luật khác kiềm chế.

Vì sao dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu?

Hệ thống y tế quá tải được cho là nguyên nhân khiến số ca tử vong do Covid-19 tăng cao tại Italy và đang đe dọa các quốc gia châu Âu khác. Do không còn chỗ trống ở các khoa chăm sóc đặc biệt, một số bệnh viện phải đưa người nhiễm ra hành lang hoặc nằm tạm trong các phòng phẫu thuật. Thậm chí, do thiếu nguồn lực, các bệnh viện ở miền bắc Italy đã phải ưu tiên điều trị bệnh nhân dựa theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Một điểm đáng lưu ý là giới y tế châu Âu lại coi Covid-19 giống như cúm mùa nên không tập trung nguồn lực truy tìm từng ca bệnh cũng như những người tiếp xúc F1, F2, mà chủ yếu cho cách ly tại nhà. Nhiều người không có biểu hiện bệnh nhưng có mang virus nên đã truyền sang cho người khác. Và điểm then chốt là các chính phủ châu Âu đã không mạnh tay khi khoanh vùng, cách ly cũng như điều trị bắt buộc với những người nhiễm (hoặc nghi nhiễm) virus SARS-CoV-2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống Covid-19 tại những nước giàu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO