Tham vọng mới của NASA

(Nguồn tham khảo: Space.com NASA) 07/10/2018 08:45

Ngày 6/10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã ấn định thời điểm tiến hành chuyến bay đầu tiên của phi hành đoàn lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) bằng hai tàu vũ trụ của SpaceX và Boeing.

Tham vọng mới của NASA

Ngày 12/4/1981, tàu con thoi Columbia của NASA đưa 2 nhà du hành John Young và Bob Crippen bay vào không gian.

Theo thông báo của NASA, chuyến bay của tàu vũ trụ Crew Dragon (do SpaceX sản xuất) sẽ được thực hiện vào tháng 6/2019 và sử dụng tên lửa Falcon 9, trong khi chuyến bay của Starliner (thuộc tập đoàn Boeing) sẽ được thực hiện sau đó hai tháng với tên lửa Atlas V. Các chuyến bay thử nghiệm (không kèm phi hành đoàn) sẽ được thực hiện trước đó - với SpaceX là vào tháng 1/2019, còn Boeing vào tháng 3/2019.

Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ “tự túc” đưa các phi hành đoàn của mình lên trạm nghiên cứu ISS, kể từ khi phi đội tàu con thoi của nước này “nghỉ hưu” từ năm 2011.

Trong gần 7 năm qua, toàn bộ các chuyến bay của NASA lên ISS đều thực hiện với phương tiện duy nhất, đó là tàu vũ trụ Soyuz của Nga với chi phí rất cao - khoảng 80 triệu USD/người. Vì vậy, bước đi mới càng cho thấy quyết tâm thực hiện kế hoạch đưa nước Mỹ trở lại thống lĩnh vũ trụ theo ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giám đốc điều hành của NASA Jim Bridenstine khẳng định: “Đây là một nhiệm vụ to lớn với quốc gia và chúng tôi muốn người Mỹ biết rằng chúng tôi đã trở lại, rằng chúng tôi sẽ điều hành những tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất trên những tên lửa của Mỹ và khởi hành từ chính đất Mỹ.”

NASA đang kỳ vọng sự thành công của hai sứ mệnh này khi hợp đồng với Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga sẽ hết hạn vào tháng 11/2019.

Nhiều thập kỷ qua, cuộc chạy đua vào không gian được coi là cuộc đua giữa Nga và Mỹ. Giai đoạn 1957 đến 1975 được coi là “rất sôi nổi”, liên quan đến các nỗ lực thám hiểm không gian bằng vệ tinh nhân tạo và việc đưa con người vào vũ trụ và lên Mặt Trăng. Riêng về phía Mỹ, ngày 29/7/1958, Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower đã phê chuẩn Luật Không gian và Hàng không quốc gia, “khai sinh” Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cơ quan này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/10/1958 với nhiệm vụ “vươn đến những tầm cao mới, hé lộ những điều còn bí ẩn để mọi hành động và kiến thức đều mang lại lợi ích cho nhân loại”. Hiện cơ quan này có hơn 10 trung tâm nằm rải rác trên khắp nước Mỹ với ngân sách khổng lồ 19,5 tỷ USD/năm.

Một dấu mốc được coi là lịch sử: với nhiều thử thách và sai lầm, thì rồi NASA cũng đã hoàn tất nhiệm vụ đưa con người bay vòng quanh Mặt trăng với Apollo 8: Ngày 20/7/1969, trên con tàu vũ trụ Apollo 11, nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong của NASA đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn. Đây được coi là “bước nhảy vĩ đại”, tượng trưng cho lòng dũng cảm, lòng khát khao khám phá và vươn tới sự tiến bộ của con người.

Một dấu mốc nữa cũng rất đáng chú ý càng thổi bùng khát vọng của NASA là ngày 20/8/1975, cơ quan này chính thức khởi động Chương trình Viking khám phá sao Hỏa. Điều đó dẫn tới việc ngày 12/4/1981, tàu con thoi Columbia của NASA đưa 2 nhà du hành John Young và Bob Crippen bay vào không gian. Đây là một sự kiện có tầm quan trọng to lớn: Lần đầu tiên động cơ tên lửa dùng nguyên liệu rắn được sử dụng để đẩy tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Để rồi từ đó NASA đã vạch ra các mục tiêu chiến lược: Mở rộng và duy trì các phi vụ hoạt động có người điều khiển trong hệ Mặt trời; mở rộng hiểu biết khoa học về Trái đất và vũ trụ; sáng tạo những công nghệ vũ trụ mới; thúc đẩy nghiên cứu hàng không học… NASA tiếp tục các dự án nghiên cứu bao gồm khảo sát sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ cũng như Mặt trời...

Ngọc Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham vọng mới của NASA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO