Vị kiến trúc sư tạo nên 'biểu tượng của Iran'

Linh Chi 15/01/2016 14:00

Trong suốt 45 năm qua, tượng đài hiện đại nổi tiếng nhất của Iran- tháp Azadi (Tự do)- nằm ở thủ đô Tehran, luôn là nơi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước này. Và đứng đằng sau nó là một người đàn ông bí ẩn, người đã đặt nền móng cho tượng đài được coi là biểu tượng của Iran này.

Vị kiến trúc sư tạo nên 'biểu tượng của Iran'

Kiến trúc sư Hossein Amanat cùng bức ảnh về công trình
tháp Tự do để đời của ông ở Iran.

Biểu tượng của Iran

Là một nơi tổ chức các lễ hội lớn của đất nước, các đợt lễ kỷ niệm, các cuộc diễu hành và cả là nơi thường diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ… tòa tháp cao 50 m là tượng đài đã từng trải qua nhiều cột mốc lịch sử, và nhiều sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Tòa tháp được xây dựng vào năm 1971, nhằm thể hiện một biểu tượng hiện đại và mới mẻ của đất nước. Thậm chí vào thời điểm mà dự án này đã hoàn tất, kiến trúc sư Hossein Amanat cũng chưa bao giờ hy vọng rằng nó sẽ trở thành một biểu tượng nổi tiếng nhất của đất nước.

Trước đây, tháp Tự do được biết đến với cái tên Đài tưởng niệm Quốc vương, hay Shahyad, được xây dựng để đánh dấu 2.500 năm đế chế Ba Tư, để tôn vinh sự giàu có và thịnh vượng của nền văn hóa và lịch sử của Ba Tư. Hossein Amanat lúc bấy giờ đã trở thành một ngôi sao mới nổi của nền kiến trúc hiện đại Iran khi trong năm 1966, ông giành giải thưởng quốc gia nhờ thiết kế tòa tháp này.

Đặt tại khu vực phía Tây thủ đô Tehran, trên con đường nối liền với sân bay quốc tế cũ của thành phố, tượng đài này được xây dựng từ đá cẩm thạch trắng và được bao quanh bởi 50.000 m2 đất quảng trường gồm vườn tược, đài phun nước, một viện bảo tàng và một trung tâm triển lãm.

Đến khoảng giữa những năm 1960, Iran trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới, điều khiến cho Quốc vương Shah Mohammad Reza Pahlavi muốn triển khai một chương trình tham vọng để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong thời kỳ này, nền nghệ thuật hiện đại của Iran đang phát triển mạnh mẽ.

Rất nhiều nghệ sỹ, thi sỹ và nhạc sỹ cố gắng tạo nên các tuyệt tác của riêng mình, đôi lúc có nét pha trộn với văn hóa phương Tây nhưng vẫn giữ được những yếu tố văn hóa Ba Tư cổ đại.

Kiến trúc sư Amanat cho hay kiểu dáng của tháp Tự do cũng thể hiện rõ các yếu tố này, nó mang nét văn hóa Ba Tư, với nhiều khía cạnh mang đậm kiến trúc Hồi giáo. Tháp Tự do phải mất đến 30 tháng thi công và hoàn thiện vào mùa thu năm 1971. Nó chính thức mở cửa cho người dân và du khách vào ngày 14-1-1972. Điểm khiến nó lưu danh chính là cái danh “biểu tượng của Iran”, biểu tượng của thành phố thủ đô và cũng là biểu tượng của người Hồi giáo

Cha đẻ của công trình để đời

Trong khoảng thời gian diễn ra cuộc cách mạng Iran năm 1979, khu vực quảng trường xung quanh tháp Tự do đã sớm trở thành một địa điểm để những người biểu tình tụ họp, và cho đến tận ngày nay điều đó vẫn không thay đổi.

Gần đây nhất, đoàn người biểu tình lớn phản ứng trước cuộc bầu cử Tổng thống bị gián đoạn hồi năm 2009 đã thu hút được hàng trăm nghìn người đến tháp Tự do, nơi họ yêu cầu kiểm lại số phiếu bầu. Ông Amanat cho hay, trong số tất cả các sự kiện mà tòa tháp từng chứng kiến, thì sự kiện này là đáng nhớ nhất.

Đối với cha đẻ của công trình này- ông Amanat- thì tháp Tự do giống như một người cha, dang rộng vòng tay ôm trọn người dân đứng trước nó. Tuy nhiên, tháp Tự do cũng chịu nhiều tổn hại qua nhiều thời kỳ, nhưng ông Amanat đến nay vẫn chưa từng yêu cầu Chính phủ sửa chữa nó. Giờ vị kiến trúc sư này đang sống ở Vancouver, Canada, nơi ông đã thành lập một công ty kiến trúc thành đạt và đã thiết kế rất nhiều tòa nhà khác trên khắp thế giới.

Ông Amanat cũng từng được lựa chọn làm người thiết kế trung tâm chính quyền thế giới đặt tại Bahai, Haifa, Israel. Kể từ sau cách mạng năm 1979, rất nhiều người như ông Amanat đã rời khỏi Iran để tìm kiếm một cuộc sống mới ở nước khác. Nhưng đến nay, Amanat vẫn mong muốn trở về quê hương mình. “Tôi rất nhớ Iran, đất nước của tôi, nhưng hiện giờ tôi không muốn quay lại đó nữa” - ông Amanat nói.

Tuy vậy, ông vẫn chưa quên kiểu kiến trúc đặc biệt không thể nhầm lẫn vào đâu được của Iran, đôi lúc còn nhớ về những kiểu kiến trúc từ hồi những năm 1930. Tất cả những điều đó đều được ông ghi lại vào một cuốn sách đặc biệt, bên trong chứa đầy những bản vẽ tay về các tòa nhà lịch sử của Iran và những nơi mà ông từng đi qua hồi thơ ấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị kiến trúc sư tạo nên 'biểu tượng của Iran'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO