Xung đột kinh tế Mỹ - Trung:Vẫn ở thế giằng co

Thế Tuấn (Nguồn: Reuters) 18/11/2019 07:00

Mới đây, Tân Hoa Xã loan tin, ngày 16/11, đại diện Trung Quốc và Mỹ đã có một cuộc điện đàm cấp cao “mang tính xây dựng” về vấn đề thương mại. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tham gia cuộc điện đàm. Theo đó, hai bên đã thảo luận các vấn đề cốt lõi của nhau, đồng thời nhất trí duy trì đối thoại.

Xung đột kinh tế Mỹ - Trung:Vẫn ở thế giằng co

Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 31/7/2019.

Trước đó, ngày 15/11, Trợ lý cấp cao của Nhà Trắng, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow cho biết thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được ký kết ở cấp Bộ trưởng, không phải giữa hai nhà lãnh đạo.

Cũng cần nhắc lại, tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận một phần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile, song sự kiện này đã không diễn ra.

Còn trong tháng 10 vừa qua, ông Trump nói là Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đồng ý tăng hơn gấp đôi lượng nông sản mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 40-50 tỷ USD/năm. Tuy nhiên Bắc Kinh muốn việc mua bán này dựa trên nhu cầu của thị trường đồng thời muốn việc dỡ bỏ thuế bổ sung là một phần của thỏa thuận tới, nhưng ông Trump vẫn chưa đồng ý.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hai nước và rộng hơn, nó đã cuốn nhiều nền kinh tế khác vào vòng xoáy, trong đó có cả 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Một báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, các đối tác trên thị trường, các ngân hàng và nhà đầu tư coi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là mối đe dọa lớn nhất trước mắt đối với sự bình ổn tài chính. Lael Brainard- một nhân sự cao cấp của FED kêu gọi “cảnh giác cao độ” trước các nguy cơ sắp nảy sinh.

Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng thương chiến Mỹ - Trung khó “hạ màn” trong năm 2020. Theo đó, có tới 3/4 trong số 53 nhà kinh tế lựa chọn trả lời câu hỏi bổ sung cho biết một thỏa thuận “ngừng bắn vĩnh viễn” cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể xảy ra trong năm tới. Đây là kết quả thăm dò do Hãng tin Reuters thực hiện với hơn 100 nhà kinh tế.

Cuộc thăm dò được tiến hành trong 5 ngày, từ ngày 8 đến ngày 13/11, cho thấy dù xác suất trung bình có thể xảy ra một cuộc suy thoái đối với kinh tế Mỹ trong năm tới đã giảm từ mức 35% trước đó xuống 25%, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ vẫn còn khiêm tốn. Nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2019 tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 2,0% trong quý 2/2019. Đó không phải là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế nước này khi xung đột thương mại với Trung Quốc vẫn chưa có lối mở.

Tuy nhiên, nhận định này trái ngược với tâm lý các nhà đầu tư tại Phố Wall, khi các chỉ số chính trên thị trường này đã chạm mức cao kỷ lục trong vài tháng qua, với hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ giải quyết được những bất đồng.

Dù thế thì ông James Knightley- Kinh tế trưởng phụ trách thị trường quốc tế tại Tập đoàn Tài chính ING lại tỏ ra ít lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung so với thị trường chứng khoán.

Chính từ sự nhìn nhận “không rõ ràng” kể trên đã dẫn tới việc Chủ tịch FED Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng “sẽ thận trọng theo dõi các cuộc xung đột thương mại và tình trạng tăng trưởng chậm lại”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc FED sẽ tạm dừng chính sách hạ lãi suất sau khi tiến hành lần cắt giảm thứ 3 trong năm nay.

Còn ông Michael Moran (Công ty Tư vấn đầu tư Daiwa Capital Markets) cũng cho rằng FED sẽ không có nhiều động thái chính sách nào trong vài tháng tới, trước khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc phát đi tín hiệu “xuống thang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung đột kinh tế Mỹ - Trung:Vẫn ở thế giằng co

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO