Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Bài bản, chặt chẽ, công tâm

Mai Loan 20/11/2018 08:15

Ngày 4/11, Bộ Chính trị khóa XII lần đầu họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026. Quan điểm chỉ đạo được đưa ra tại cuộc họp đầu tiên này đã cho thấy sự chặt chẽ, công tâm, khách quan của Đảng trong công tác rất hệ trọng này.

Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Bài bản, chặt chẽ, công tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021- 2026. (Ảnh: TTXVN).

Lòng dân - Thế nước

Trong một lần trao đổi với Đại Đoàn kết xung quanh Đề án về Chiến lược công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đội ngũ cán bộ cấp chiến lược… do Trung ương bàn định tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhà báo Nhị Lê- Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản có đánh giá: Đề án là một hệ thống bài bản, toàn diện nhất, xét trong hai chục năm qua, kể từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, về công tác cán bộ.

Vào thời điểm ấy, Hội nghị lần thứ 7 cũng bàn đến 2 đề án khác là vấn đề cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội - những tiền đề căn bản bảo đảm cho việc thực hiện Đề án về công tác cán bộ. Theo nhận xét của ông Nhị Lê: “Nếu không có những nền móng này thì khó có thể thể nói chuyện tới sự thành công như mong đợi về bất cứ chiến lược nào cả. Đó là nhóm chỉnh thể đại sự của công cuộc đổi mới hiện nay. Có thể nói gọn, lần này Trung ương bàn đến một loạt vấn đề rất quan trọng, mà tôi đánh giá đó là nhân tố quyết định thành công của cuộc vận động lịch sử của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong bối cảnh mới hiện nay”.

Nói khái lược về chiến lược cán bộ, theo quan điểm của Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì, thế nước đang lên mạnh mẽ, lòng dân đang kỳ vọng và đợi chờ. Cả hai đang đòi hỏi “Đảng mệnh”, tức sứ mệnh cầm quyền của Đảng cũng phải đổi mới xứng đáng, thật sự ngang tầm với lịch sử, với khát vọng đồng bào. Nói cách khác, thiên đang thời, địa đang lợi và nhân đang hòa! Nhìn rộng ra, Chiến lược này là đại sự bảo đảm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ thành công, trong tầm nhìn tới năm 2030 – năm Đảng ta tròn 100 năm”.

Hoặc là bây giờ hoặc khó có thời điểm nào tốt hơn! Tất cả để góp phần xây nền, tạo móng cho Đại hội XIII của Đảng và các Đại hội tiếp theo, đúng lộ trình của công cuộc đổi mới mà Cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng hoạch định. Đó cũng là khát vọng của muôn dân về một bảo đảm căn bản cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của quốc gia-dân tộc Việt Nam ta, trong tương lai, tới khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ta tròn 100 năm, vào năm 2045.

“Nói cụ thể, bàn về cán bộ cấp chiến lược là nhận diện, định vị và kiến tạo đội ngũ rường cột của quốc gia, tinh hoa của tinh hoa dân tộc dẫn dắt quốc gia là việc quan trọng lắm. Không ai không mong mỏi. Nói một cách hình ảnh, họ là người gác ngôi đền thiêng của đất nước, của Đảng. Họ vừa là người tổ chức thực hiện vừa là người hoạch định chiến lược quốc gia, nên ý nghĩa càng vô cùng quan trọng.”, ông Nhị Lê nói.

Người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt

Điều này được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định trong một hội thảo có chủ đề liên quan. Trên thực tế, Trung ương cũng rất quan tâm đến cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cán bộ từ thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương trở lên). “Chọn người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt. Người đứng đầu tốt sẽ chọn người cấp phó tốt, người đứng đầu không tốt khó chọn cấp phó tốt”-Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh. Cũng theo ông Phạm Minh Chính, trong nhiệm kỳ này, cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, việc bàn chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những trọng tâm của Trung ương.

Còn, ông Phạm Quang Hưng -Vụ trưởng Vụ IV (Vụ các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương) thuộc Ban Tổ chức Trung ương nơi được giao khảo sát và xây dựng dự thảo Đề án cho biết: Điểm mới trong Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này, trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Đề án lần này cũng đề xuất các quan điểm mới, đồng bộ, toàn diện hơn, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Đề án vì thế đặt mục tiêu rất kỳ vọng là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Loại khỏi quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái

Mới đây nhất, liên quan đến cán bộ cấp chiến lược, Bộ Chính trị đã có phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại cuộc họp ấy, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn nhiều về dự thảo Kế hoạch xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cả về nội dung, lộ trình, các bước thực hiện, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện và ban hành Kế hoạch, làm cơ sở để tiến hành xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch; nhấn mạnh nhân sự quy hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, tiến hành đúng quy trình, quy định…

Việc bàn đến quy hoạch mang tính cụ thể- Quy hoạch cho nhiệm kỳ sau đã chứng tỏ, Bộ Chính trị đã quyết tâm định vị sáng rõ hơn về cán bộ cấp chiến lược. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại phiên họp: bên cạnh yêu cầu về trình độ, hiểu biết, phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trình độ lý luận cơ bản. Bởi, theo Tổng Bí thư đây là những người sẽ hoạch định đường lối chủ trương, lộ trình bước đi sắp tới của đất nước ta, nên phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế. Và, bao giờ cũng vậy, bên cạnh việc trau dồi lý luận, các ứng viên cán bộ cấp chiến lược còn cần bồi đắp thực tiễn trong vườn hoa cuộc sống vốn rất phong phú.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư nói thì, đây chưa phải là công tác nhân sự mà chỉ là cơ sở để sắp tới làm công tác nhân sự tốt hơn. Nhưng, người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh quan điểm: Nếu phát hiện cán bộ quy hoạch nào có vấn đề sẽ đưa ra khỏi Quy hoạch ngay, hoặc cũng có thể bổ sung vào Quy hoạch. Lần này, điểm khác trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới: 2021-2016. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra là phải thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, giữ gìn kỷ luật thông tin, bước đi phải chặt chẽ, bởi đây là công việc phức tạp, hệ trọng.

Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư: Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo là những cán bộ được chọn lọc kỹ, có kinh nghiệm công tác, được tin cậy, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức vì công việc, phải công tâm, khách quan, cẩn trọng, trung thực, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, phải rất tinh tường để giúp Ban Chỉ đạo ngay từ ban đầu, lựa chọn được những "hòn sỏi" đẹp, loại bỏ những "hòn sỏi" mục ruỗng.

Tất cả các bước đi, cách làm cho thấy, với quyết tâm kiên định, kiên trì hơn; lộ trình minh bạch hơn, phù hợp hơn, hệ giải pháp thật sự khả thi và lượng hóa rõ ràng hơn, các điều kiện được bảo đảm đầy đủ, kịp thời hơn… chúng ta có thể thực hiện thành công một kỳ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Bài bản, chặt chẽ, công tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO