Rõ vai trò, rõ trách nhiệm khi tổ chức phản biện

Tuệ Phương 01/02/2021 07:07

Đứng trước yêu cầu đổi mới, MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội đã chú trọng lựa chọn lĩnh vực, đổi mới quy trình, phương thức giám sát, phản biện xã hội. Phát huy tinh thần đó, Mặt trận các cấp xác định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền đồng cấp để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Hà Nội kích hoạt lại hệ thống tổ giám sát ở cơ sở phòng dịch.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, trong năm 2020, MTTQ các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 95 hội nghị phản biện xã hội. Các nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ủy ban MTTQ cấp xã đã tổ chức 598 hội nghị phản biện xã hội về các dự thảo Nghi quyết phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân địa phương. Các hội nghị phản biện xã hội ở các cấp ngày càng đi vào thực chất, các ý kiến tham gia phản biện được chính quyền các cấp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương, chính sách được thực hiện khả thi.

Ủy ban MTTQ thành phố cũng thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại 30 đơn vị quận, huyện thị; kiểm tra việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid -19 theo phản ánh của dư luận và báo chí.

Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đặt ra yêu cầu cho MTTQ các cấp ngày càng nặng nề hơn. Để nâng cao hơn nữa hoạt động này, theo Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban MTTQ thành phố Phạm Lợi: “Để nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận các cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cần tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND, UBND thành phố, các tổ chức thành viên xác định trúng, đúng vấn đề cần giám sát, phản biện để các hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ở góc độ khác, ông Đỗ Ngọc Bích, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh cho biết, trong nhiều năm qua MTTQ huyện đã luôn đổi mới phương thức hoạt động, luôn bám sát sự chỉ đạo của MTTQ thành phố và của huyện. C

ác phong trào thi đua, các cuộc vận động trên địa bàn huyện luôn đạt chất lượng cao với nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động, nhiều mô hình mang tính tiêu biểu nổi bật, được nhiều đơn vị bạn học tập đó là tang lễ văn minh tiến bộ và các hoạt động giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, trong năm 2020, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội. MTTQ huyện cũng đã chủ trì giám sát 24 cuộc; giám sát với 24 xã, thị trấn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và việc quản lý, sử dụng quỹ phòng dịch Covid-19.

Sau khi kết thúc giám sát đều ban hành thông báo kết luận giám sát đối với từng đơn vị. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện cũng đã tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội. Tại các hội nghị đã tiếp nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học có am hiểu sâu sắc về kinh tế, xã hội. Các ý kiến rất sâu sắc, đa chiều đối với nội dung dự thảo đã đề án.

Với mong muốn để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở cấp xã đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn Trương Văn Nhung nêu ý kiến: “Cán bộ Mặt trận cấp xã thường trưởng thành từ các khu dân cư, chưa được đào tạo cơ bản nên hoạt động gặp khó khăn. Vì vậy, cần tăng cường công tác tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ cấp xã và hướng dẫn sát hơn nữa về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho họ”.

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng quy chế, tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện. Để những việc này đạt chất lượng nhiều hơn nữa, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, yếu tố quan trọng là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận đồng cấp.

Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tích cực đổi mới quy trình thực hiện phản biện xã hội, nâng cao năng lực giám sát cũng như công tác chuẩn bị để các cuộc giám sát, phản biện đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp sẽ sát sao hơn trong việc giải quyết các ý kiến sau phản biện, nâng cao năng lực tổng hợp, kiến nghị và phản hồi kết quả sau giám sát…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rõ vai trò, rõ trách nhiệm khi tổ chức phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO