Sách giáo khoa: Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

Thu Hương 30/09/2022 07:26

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1.

Học sinh tham gia sự kiện trưng bày ấn phẩm sách giáo khoa.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng SGK giáo dục phổ thông (GDPT), diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội.

Ưu điểm và hạn chế của sách giáo khoa mới

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn. Hiện các bản mẫu SGK khác nhau có ý tưởng thể hiện khác nhau, nhưng đều đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.

Nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn thừa nhận, SGK mới vẫn còn một số hạn chế như một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh,…

Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng. Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm, gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.

Qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương về việc lựa chọn SGK cho thấy còn tồn tại những hạn chế. Cá biệt một số địa phương chỉ chọn duy nhất 1 bộ SGK.

Thời gian ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm, muộn so với quy định tại Thông tư. Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK theo các môn học của các địa phương chậm, muộn, dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản (NXB) trong việc cung ứng SGK trước thềm năm học mới.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Lê Hồng Hải cũng nêu khó khăn khi chương trình GDPT mới với nhiều bộ SGK khác nhau, các NXB phải chờ đợi thông tin thống kê của từng địa phương lúc đó mới triển khai được công tác in ấn, phát hành. Thông thường việc quyết định lựa chọn bộ SGK nào của địa phương thường diễn ra muộn nên khó đảm bảo bảo kịp thời như khi một chương trình một bộ SGK.

Riêng năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới bậc THPT. Bắt đầu từ lớp 10 có một loạt môn học, chuyên đề tự chọn. Tùy theo điều kiện của giáo viên, cơ sở vật chất của mỗi nhà trường mà việc quyết định lựa chọn môn học nào, SGK nào diễn ra rất muộn. Thậm chí trước hoặc sau lễ khai giảng ít ngày các NXB mới có thông tin về tên SGK và số lượng cần in ấn, phát thành. Điều này mới dẫn đến tình trạng chậm SGK cục bộ ở một số nơi.

Quyết liệt giảm giá, tăng cường kiểm soát

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.

Đặc biệt, thời gian tới bảo đảm SGK tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền. Tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở GDPT của Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Phối hợp tốt trong việc thông tin nhu cầu sử dụng SGK của địa phương và cung ứng để bảo đảm đủ SGK trước khai giảng năm học.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng sẽ tăng cường trang bị SGK, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ SGK, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy - học; huy động tận dụng, tái sử dụng SGK đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GDPT. Theo đó, cần thống nhất nhận thức: SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.

Theo đó, khi đặt mục tiêu chất lượng là số 1, cần chú ý đến các khâu: Làm bản mẫu, thẩm định và phát hành SGK. Các khâu cần được cải tiến và đổi mới. Cùng với đó, cần chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK khi giảng dạy. Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Liên quan đến giá SGK, ông Độ nhấn mạnh, cần lưu ý đến các khâu như yếu tố cấu thành giá sách và ban hành định mức kỹ thuật của sách.

Về vấn đề giảm giá thành SGK, ông Lê Hồng Hải cho biết, khi xuất bản SGK lớp 2, lớp 6, đơn vị này đã tính toán tiết giảm chi phí để SGK 2 lớp này có giá thành thấp hơn so với SGK lớp 1. Đối với bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 được xuất bản năm 2022, NXB Giáo dục Việt Nam quyết liệt tiết giảm mọi chi phí để hạ giá thành, cụ thể đã tiết giảm bình quân từ 5-10 % so với những bộ sách các lớp học trước. Hiện các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam có giá bìa thấp nhất trong các bộ SGK được lưu hành hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa: Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO