Sài Gòn chấp nhận và dung dưỡng mọi khác biệt

Việt Quỳnh (thực hiện) 30/04/2020 15:26

Nhà báo-nhạc sĩ Hà Quang Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội. 20 năm trước, anh đến với Sài Gòn, “sau chừng một tuần nằm chán nản”. Khi ấy, anh đang làm việc cho một công ty “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Sài Gòn chấp nhận và dung dưỡng mọi khác biệt

Nhà báo-nhạc sĩ Hà Quang Minh.

Thế là nghĩ đến Sài Gòn dù chưa bao giờ đặt chân vào thành phố này. "Nhưng thực sự, Sài Gòn ám ảnh tôi từ nhỏ. Hai tiếng Sài Gòn hấp dẫn lắm. Rồi quyết định đi dù gia đình ngăn cản nhiều. Còn nhớ, trong túi lúc ấy hình như có được ba triệu. Xách theo hai cái ba lô. Một là quần áo, một là sách vở”. Rồi anh ở lại luôn, từ đó đến bây giờ.

Thời gian đầu tiên sống tại đây, với Hà Quang Minh, cũng chẳng khác những người nhập cư khác là mấy. Anh tìm việc làm, sáng đi đến tối mờ mắt thì về. Lương đủ sống tùng tiệm. Tháng đầu tiên, anh kể, có đói thực sự. “Lúc ấy chưa quen sống một mình. Vả lại, túi không có tiền mà tính thì ngang bướng, không muốn nhờ vả than thở với cha mẹ. Còn nhớ, còn độ một tuần nữa mới được lĩnh lương mà thấy ví lép dần rồi, tôi mới hoảng. Và tôi mua bánh mì gối với sữa đặc để sẵn ở nhà, để phòng nếu hết tiền thì không đến nỗi không có gì bỏ bụng. Rồi hết tiền thật. Tối đi làm về ăn cũng dè sẻn, sợ hôm sau chẳng còn bánh mì mà ăn. Dè sẻn nên đói xanh mắt. Lúc ấy lại đang tuổi đôi mươi nữa chứ. Nhưng rồi cũng qua cơn và điều đó dạy tôi một ý thức phòng thủ, tức là không bao giờ được để mình rơi vào trạng thái cháy túi”.

Từ nhỏ, nhà báo Hà Quang Minh đã hình dung ra bản thân ở Sài Gòn. “Lúc mới 13-14 tuổi gì đó, hè sang, bên hàng xóm có cô bé cùng tuổi từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi thăm dì và ông bà ngoại. Thế là tôi hay trêu chọc cô ấy, vì thấy thích thích. Rồi bắt đầu làm thơ về Sài Gòn mặc cho chưa biết dung mạo thành phố ấy thế nào. Thời ấy, Sài Gòn với tôi chỉ là những hình ảnh của những cuốn phim. Nhưng không hiểu sao nỗi ám ảnh ấy kéo dài mãi. Sau này, tôi đã viết “Hà Nội như cha mẹ, tức là nơi sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi. Còn Sài Gòn chính là bản thân tôi”. Gắn bó với Sài Gòn từ ngay giây phút đầu bỡ ngỡ đặt chân lên thành phố này. Mọi thứ ập vào sôi động. Có lẽ, tại tôi thích thoát ly khỏi gia đình và Sài Gòn là Thành phố đầu tiên mà tôi tới khi có cơ hội thoát ly nên gắn bó chăng?”

Nhiều người đã nói câu “Sài Gòn bao dung”, xưa, nhà báo Hà Quang Minh cũng thích câu này. Nhưng giờ với anh, sau những năm tháng trải nghiệm, lại thấy nó là câu tầm thường: “Bao dung nằm ở lòng người. Vẫn biết, tính cách địa phương được tạo ra bởi tính cách con người địa phương ấy nhưng nếu nói Sài Gòn bao dung thì hơi xa cách quá. Hai chữ “bao dung” nghe đã hơi bề trên. Với tôi, Sài Gòn “trần trụi” và “rộng mở”. Nó trần trụi bởi nó cho chúng ta cảm nhận rất rõ về cơ hội. Có mọi cơ hội ở khắp nơi trong thành phố này. Sẽ không ai chết đói ở Sài Gòn cả nếu chịu nhìn nhận ra và nắm bắt cơ hội. Nhưng điều quan trọng là phải biết phân biệt giữa khát vọng với tham vọng. Để sống giữa Sài Gòn không khó. Nhưng để đạt tham vọng giữa Sài Gòn là cực khó. Sài Gòn quen với cạnh tranh, đến mức khốc liệt. Mức độ cạnh tranh càng cao, cơ hội cho kẻ chiến thắng càng nhỏ. Nhưng Sài Gòn rõ ràng hơn nhiều địa phương khác. “Anh làm được việc này không?”. “OK!”. “Nói được phải làm được”. Đấy, đối thoại ở Sài Gòn có thể là thế. Nếu làm được, nó sẽ ghi điểm cho bạn để lần sau bạn có thể tiếp tục được nhận việc. Người ta sống được ở Sài Gòn nhờ thế”.

“Nhưng nói vậy không có nghĩa là đừng mang mộng thành đạt ở Sài Gòn vì nó cạnh tranh khắc nghiệt quá”, Hà Quang Minh chia sẻ. “Tôi có nhiều bạn nhập cư vẫn thành đạt được ở giữa Sài Gòn. Cơ bản, họ xác lập tham vọng một cách rất thực tế, rất Sài Gòn, điều đó khiến tôi nghĩ, sống ở Sài Gòn cần thực tế nhưng đến với Sài Gòn nhớ mang theo mộng, như cái câu “Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời” vậy. Xác lập mục tiêu và tham vọng thực tế, gắn với cái thật đến trần trụi của đời sống Sài Gòn, bạn có thể có cơ hội. Vì như tôi nói rồi, Sài Gòn mở rộng mà. Xưa, khi tôi còn ở Hà Nội, nói thật là cực hiếm thấy một cái biển hiệu nào dám “giương danh” địa phương khác giữa lòng Hà Nội ngoài địa danh “Sài Gòn”. Nhưng khi đặt chân vào Sài Gòn thì khác. Sài Gòn chấp nhận mọi cá tính riêng của mọi vùng miền khác. Bạn sẽ gặp “Huế”, “Đà Nẵng”, “Phan Thiết”, “Cần Thơ”, “Ban Mê”, “Đà Lạt”… giương danh giữa Sài Gòn theo kiểu biển hiệu “Bún nước lèo Sóc Trăng” chẳng hạn. Đó là cá tính hiếm có của dân cư thành phố này. Họ chấp nhận và dung dưỡng mọi khác biệt bởi họ hiểu các khác biệt cùng tồn tại sẽ tạo ra giá trị”.

Với Hà Quang Minh, anh có được đời sống hôm nay từ hai bàn tay trắng là nhờ Sài Gòn. “Cơ bản, tôi may mắn gặp những người Sài Gòn chỉ quan tâm tôi có làm được việc không chứ không quan tâm đến background tôi học cái gì ra, tôi đã có bề dày thành tích hay kinh nghiệm gì. Ví dụ như viết ca khúc chẳng hạn. Tôi xếp xó suốt gần chục năm ở Hà Nội chẳng đụng tới. Vậy mà chỉ sau hai ba lần “đụng chuyện” ở Sài Gòn, nó trở lại và thành một trong những nghề tôi đang làm bây giờ”.

Luật chơi của Sài Gòn có bao năm nay. Nó rõ ràng. Nó lớp lang trình tự. Nó thể hiện sự minh bạch của công việc. Các ngành ở Sài Gòn vận hành theo cái cách “công nghiệp” như thế từ khi tôi còn chưa ra đời. Mỗi người đến phải thuận theo nó mà sống. Từ đó, họ bắt đầu hình thành thái độ ứng xử của họ giữa “ngành công nghiệp” mà họ theo đuổi và giữa thành phố mà họ nương nhờ. Hòa nhập với Sài Gòn rất dễ nhưng văng ra khỏi nó còn dễ hơn nếu anh không tôn trọng “luật chơi” của Sài Gòn”.

Với Hà Quang Minh, “Sài Gòn vẫn sẽ mãi thế thôi, dù cho thời đại thay đổi nhiều và giao thoa giữa mọi vùng miền mạnh mẽ hơn nhờ vào công nghệ thông tin. Nhưng sẽ đến lúc phải rất tinh tế mới nhận ra được định tính của Sài Gòn nói riêng và các thành phố khác nói chung. Cơ bản, mạng xã hội đã “đồng hoá” con người một cách rất tốc độ và mãnh liệt. Người ta bắt đầu tinh giản dần các bản sắc của địa phương và chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất. Sài Gòn cũng vậy. Và bởi thế, tôi mới nói sẽ phải thực sự tinh tế mới nhận ra Sài Gòn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sài Gòn chấp nhận và dung dưỡng mọi khác biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO