Sáng tạo nghệ thuật trong mùa dịch

Minh Quân - G.B. 23/12/2021 07:50

Năm 2021, diễn biến của đại dịch Covid-19 phức tạp, gây ra hậu quả nặng nề cho tất cả ngành dịch vụ, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát đã có nhiều hành động cụ thể để vượt qua.

Một trong những nhà hát có nhiều hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: Năm 2021, diễn biến của dịch Covid-19 cực kỳ phức tạp, cả xã hội gần như tê liệt, gây ra hậu quả nặng nề cho tất cả ngành dịch vụ cũng như ngành nghệ thuật biểu diễn. Theo sự chỉ đạo từ trên, ngành Văn hóa đã có nhiều sản phẩm để phục vụ nhân dân, tôn vinh những người trên tuyến đầu chống dịch. Nhà hát đã cùng 12 đơn vị tổ chức thực hiện những chương trình online phát sóng 2 tuần/lần trên YouTube. Ngoài các chương trình đó, nhà hát cũng chủ động kết hợp với các Đài Truyền hình thực hiện nhiều chương trình online phục vụ nhân dân.

Ông Linh cho biết thêm: Thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là thời điểm cạnh tranh khốc liệt của nghệ thuật biểu diễn chính thống và nghệ thuật giải trí. Chức năng và nhiệm vụ của nhà hát là dàn dựng và biểu diễn các chương trình, tiết mục ca múa nhạc dân gian dân tộc đặc sắc, các chương trình ca múa nhạc Việt Nam đương đại đảm bảo tính dân tộc và các tiết mục nghệ thuật của các nước trên thế giới phục vụ khán giả trong nước và quốc tế nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ người xem.

“Tuy nhiên những chương trình nghệ thuật nghiêm túc thường kén khán giả trong khi xã hội ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức giải trí hấp dẫn. Chính vì vậy mà nhà hát phải tìm hiểu, vượt qua chính mình, xây dựng các chương trình mang tính truyền thống, dân gian dân tộc nhưng cũng phải gần gũi, tiếp cận được với giới trẻ, không giữ một định dạng chương trình khô cứng mà luôn sáng tạo để mỗi chương trình đều mới mẻ…” - ông Linh nói.

Tương tự như kể trên, đại diện Nhà hát Cải lương Việt Nam khẳng định rằng, trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu sẽ dập tắt trong thời gian gần, thì những chương trình nghệ thuật online vẫn nên được tiếp tục xây dựng, làm cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả.

Trong thời gian qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã tiếp cận khán giả bằng phương thức online. Nhà hát bắt đầu quan tâm và triển khai mảng hoạt động trên các trang mạng như Youtube, Facebook, Tik Tok… Bên cạnh đó là hướng tới xây dựng cổng thông tin riêng để tâm tình, trao đổi, giao lưu với khán giả yêu mến cải lương về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật này trên các kênh của nhà hát.

Còn tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát cho biết: Trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện các chương trình nghệ thuật trên nền tảng số là rất phù hợp. Bản thân Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng quay các chương trình nghệ thuật phát lên kênh Youtube của nhà hát để giới thiệu, quảng bá đến công chúng rằng chúng tôi vẫn đang tồn tại, đang hoạt động và gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Với sự thay đổi của xã hội, nhà hát cũng chuyển mình bằng chất lượng nghệ thuật, bằng tiếng nói nghệ sĩ và bằng sự hỗ trợ của công nghệ để mang nghệ thuật đến gần công chúng. “Đó là một hướng đi đúng và thực tế năm vừa qua chúng tôi hoàn toàn đến với khán giả bằng truyền hình, bằng công nghệ số” - ông Dũng thông tin.

Cũng khẳng định tầm quan trọng của nền tảng công nghệ số, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nói rằng, sân khấu truyền hình hiện nay là một giải pháp cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ để thu hút khán giả, vượt qua khó khăn do Covid-19 cần đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp hoạt động biểu diễn với công nghệ nhiều hơn, rộng hơn nữa. Riêng với công tác truyền thông, quảng bá, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức 2 êkíp. Trong đó, 1 nhóm chuyên về làm trên Youtube, 1 nhóm làm Tiktok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung, trong đó có cả nội dung hình ảnh, nội dung giải trí, nội dung về luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân của các diễn viên nhà hát. Đích thân lãnh đạo nhà hát kết hợp với các đơn vị hàng đầu về công nghệ hỗ trợ các nhóm này…

Ngay với cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các đơn vị phối hợp tổ chức các liên hoan, hội diễn toàn quốc năm 2020, 2021 cũng đã có bước chuyển đáng kể khi triển khai livestream nhiều chương trình liên hoan phục vụ công chúng. Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng nhà hát online là một hướng đi cần thiết để giúp các nhà hát quảng bá, đưa sản phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng tạo nghệ thuật trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO