Sẽ bãi bỏ những chính sách dân tộc không phù hợp

Lê Phương 07/08/2015 08:58

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dân tộc, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sẽ bãi bỏ những chính sách dân tộc không phù hợp

Tạo điều kiện để người dân nghèo tham gia lao động công ích
tại địa phương được trả đủ thù lao

Kết quả to lớn của quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn các vùng khác, vượt mức kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, đây vẫn là vùng khó khăn nhất trong cả nước, bởi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là việc xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, có khi còn nóng vội và chưa phát huy được tính chủ động của đồng bào.

Do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan bổ sung vào Báo cáo rà soát chính sách dân tộc các chính sách lớn về giáo dục, y tế, tín dụng,… do các Bộ, ngành khác chủ trì. Các Bộ, cơ quan liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin để Ủy ban Dân tộc tổng hợp đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách được giao chủ trì. Trong Báo cáo rà soát cần chỉ rõ nội dung các chính sách bị trùng lặp, chính sách không thực hiện được và đề xuất việc sửa đổi, thay thế, hoặc bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, để bảo đảm việc xây dựng chính sách, lồng ghép chính sách đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc cần chủ động tham gia phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình đề xuất, thiết kế khung chính sách, xây dựng nội dung, sửa đổi, bổ sung chính sách và giám sát quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khi xây dựng các chính sách dân tộc cụ thể của ngành mình cần bảo đảm sự tham gia phối hợp và giám sát của Ủy ban Dân tộc. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thực hiện việc phân bổ nguồn lực cho địa phương cần lưu ý ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, cần bố trí kinh phí phù hợp, không để người dân nghèo phải đóng góp, tạo điều kiện để người dân nghèo tham gia lao động công ích tại địa phương được trả đủ thù lao. Khi tổng hợp phương án bổ sung vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần đề xuất mức phân bổ vốn ưu tiên hơn cho các xã nghèo vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.

Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ bãi bỏ những chính sách dân tộc không phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO