Siết an toàn thực phẩm những ngày cận Tết

Trường Giang 08/02/2021 07:00

Thời điểm cận Tết, các cơ quan liên ngành cả nước liên tục ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Thế nhưng, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm…

Xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng, thay thế dần việc tự nấu nướng tại gia đình.

Tiện lợi nhưng cũng bất lợi

Giò chả, nem rán, gà luộc, canh măng, bánh chưng… Chỉ cần một cuộc điện thoại, một cú click chuột hay dạo một vòng qua chợ là bạn có đầy đủ một mâm cỗ ngày Tết mà không cần phải vất vả chế biến. Sự nhanh chóng, tiện lợi và hấp dẫn của các món ăn đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình trong ngày Tết. Thế nhưng, đằng sau sự thuận tiện đó, nỗi lo về an toàn thực phẩm vẫn canh cánh…

Thời gian qua, không ít những vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trong đó có nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Nghiêm trọng nhất chính là vụ hàng chục người ngộ độc khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, món Pate Mịnh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1 mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay…

Hay trước đó là vụ ngộ độc thực phẩm với gần 100 du khách sau khi ăn tiệc tại nhà hàng H.P trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu hồi tháng 7/2020. Bữa tiệc hải sản gồm các món súp trứng cút, mực chiên bột, tôm, gỏi, gà, lẩu cá chẽm… Tất cả du khách này sau khi ăn đều có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và được cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu.

Mới đây, khi tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh, phân phối mì tươi (tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) của ông Bùi Tiến (41 tuổi), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 100kg mì tươi nhưng chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không hóa đơn chứng từ và các giấy tờ có liên quan. Kết quả test nhanh cho thấy, hơn 100kg mì tươi trên dương tính với hàn the.

Quyết tâm chặn thực phẩm “bẩn”

Điểm qua một số vụ việc trên cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) chưa bao giờ hết nóng, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Theo Phó Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, vấn đề ATTP được thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Do đó, ATTP trên địa bàn trong năm 2020 nhìn chung đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo.

Vì vậy dịp Tết Tân Sửu 2021, thành phố đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện việc bảo đảm ATTP tại các quận, huyện, thị xã trên địa Hà Nội. Công tác kiểm tra tập trung trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại các chợ truyền thống và siêu thị; các làng nghề như: Bún Phú Đô, cốm Mễ Trì, bánh kẹo Xuân Đỉnh…

Đặc biệt, các đoàn kiểm tra ATTP cấp thành phố cũng sẽ tiến hành lấy khoảng 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bởi đây cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người tiêu dùng, nhất là khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình thanh tra, bên cạnh nhắc nhở, xử phạt hành chính những cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng liên ngành một số địa phương đã kết hợp phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong viện ngăn chặn thực phẩm “bẩn” đã giúp người tiêu dùng phần nào yên tâm hơn. Nhưng đó mới chỉ là các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, còn các chợ dân sinh, chợ cóc, các sản phẩm rao bán trên mạng xã hội… thì dường như vẫn bị bỏ ngỏ.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh sự nỗ lực kiểm soát ATTP của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, chỉ mua và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, mốc hỏng và tuyệt đối không sử dụng phẩm mầu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép…

Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, điểm mua sắm hàng hóa... theo ghi nhận của PV công tác phòng chống dịch Covid-19 được làm khá chặt chẽ như yêu cầu nhân viên và khách hàng đều phải đeo khẩu trang, rửa tay sát và đo thân nhiệt trước khi vào siêu thị. Việc vệ sinh quầy, kệ, sàn nhà, xe đẩy hàng… được tăng cường. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị đã lắp tấm chắn ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên ở quầy thanh toán. Ai cũng ý thức được việc phòng dịch, nhất là trong những ngày cận Tết này là vô cùng quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết an toàn thực phẩm những ngày cận Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO