Siêu dự án trên sông Hồng: Đánh đổi môi trường sinh thái?

Minh Phương - Hồ Hương 06/05/2016 09:21

Một dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dự án dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hiện nay chính là nguy cơ làm thay đổi toàn bộ mực nước vùng hạ lưu và những ảnh hưởng khác đến môi trường sinh thái...

Siêu dự án trên sông Hồng: Đánh đổi môi trường sinh thái?

Dư luận đang nóng với dự án tỷ đô trên sông Hồng.

Siêu dự án trên sông Hồng

Theo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup, đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án là xây dựng các nhà máy thủy điện. Theo các nhà khoa học, việc xây dựng các thủy điện, nạo vét lòng sông trước tiên sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, lưu lượng nước chảy về hạ du. Từ đó ảnh hưởng đến vựa lúa Đồng bằng sông Hồng. Tiếp đó là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất... chắc chắn sẽ xảy ra. Song, khác với những lo lắng của giới chuyên gia, các nhà khoa học, trong văn bản trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay “mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế đập thuỷ điện luôn thấp hơn so với mực nước lũ hằng năm, do đó ít gây ngập lụt, không ảnh hưởng và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng. Tác động đến môi trường không lớn và có thể giảm thiểu”.

Không thể hủy hoại môi trường sinh thái

Tuy nhiên, trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 5-5, GS. Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, dù dự án mới đang ở thời kỳ “nhen nhóm ý tưởng”, song việc xây dựng giao thông và thủy điện trên sông Hồng cần phải xem xét cân nhắc rất kỹ lưỡng. Theo ông Long, bài học về việc xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông khiến cho cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải gánh chịu hệ lụy lớn về môi trường vẫn chưa hết nóng. “Cho nên, chúng ta không thể tiếp tục hy sinh môi trường, hy sinh vựa lúa của cả miền Bắc để đổi lấy một dự án giao thông, thủy điện giống như bài học của sông Mê Kông. Các dự án thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sông Hồng sẽ tác động trực tiếp đến lượng phù sa, lưu lượng nước và gây phá hủy các dòng sông” – GS Long khẳng định.

Đề cập đến vấn đề dự án sẽ xây dựng 5-7 nhà máy thủy điện, GS.Viện sĩ Trần Đình Long thẳng thắn: “Tính ưu việt của các dự án điện này không rõ ràng. Mỗi dự án thủy điện chỉ có vài trăm MW, nếu làm phép tính cộng thì công suất chung của 7 dự án cũng chỉ trên dưới 1000 MW. Như vậy, không đáng kể, không cân bằng với hệ thống điện sẵn có.

Trong khi đó để vận hành một nhà máy thủy điện liên quan đến chế độ sử dụng nước. Lưu vực sông Hồng sẽ bị ảnh hưởng lớn”.

Hơn nữa, khi nói về hình thức đầu tư BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), ông Long cũng bày tỏ băn khoăn rằng: Chúng ta có nhiều phương thức đầu tư như BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), BTO (xây dựng, chuyển giao, kinh doanh), hay PPP (hợp tác công tư)... nhưng tại sao lại lựa chọn hình thức đầu tư BOO? Đây là hình thức đầu tư mạo hiểm và không phù hợp ở một dự án có tác động liên vùng. Hơn thế, ảnh hưởng của nó không chỉ mang tính thời cuộc mà còn tác động đến muôn đời sau.

Nhiều chuyên gia ngành môi trường cũng cho rằng, nếu làm thủy điện ở sông Hồng chắc chắn sẽ có những tác động lớn đến môi trường, sinh thái ảnh hưởng đến việc điều tiết dòng chảy của con sông lớn nhất miền Bắc, từ đó gây ra những nguy cơ đối với đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa, theo GS.Viện sĩ Trần Đình Long, chúng ta đang quá dễ dãi khi giao một con sông có bề dày lịch sử văn hóa hàng ngàn năm, một vựa lúa lớn của cả nước về tay một nhà đầu tư tư nhân để làm giao thông mà trong khi điều đó không phải là cần kíp, như vậy là quá mạo hiểm.

Còn phải xem xét các quy hoạch có liên quan

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi nói về siêu dự án tỷ USD trên sông Hồng. Theo ông Tự, hiện việc lựa chọn DN nào làm chủ đầu tư vẫn chưa được quyết định, do đó chưa chắc doanh nghiệp Xuân Thành sẽ là chủ đầu tư của dự án. Tới đây còn phải xem các quy hoạch có liên quan, ví dụ Bộ NN & PTNT nếu đầu tư trạm bơm có ảnh hưởng không rồi các vấn đề liên quan tới thủy văn, thủy điện… các cơ quan thẩm định, phê duyệt cho dự án này đều phải xem xét rất kỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siêu dự án trên sông Hồng: Đánh đổi môi trường sinh thái?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO