Sinh viên ít đọc sách

Lam Nhi 15/04/2016 08:53

Việc đa số sinh viên thích tìm kiếm tài liệu tham khảo trên mạng vì thuận tiện, nhanh chóng thay vì tốn hàng giờ đọc sách tham khảo nhưng nhiều khi lại không thấy thông tin cần tìm kiếm là xu hướng có thật, phù hợp với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì tài liệu học qua mạng cũng có những mặt trái khi phụ thuộc việc học vào internet.

Ảnh minh họa.

“Vấn nạn sinh viên lười đọc sách, đặc biệt là sách chuyên môn là có thật. Thầy cô thì linh động còn sinh viên thì dễ dãi với chính bản thân mình, trong khi đó để đạt điểm 5, để vượt qua các kỳ thi, kỳ kiểm tra là quá dễ với sinh viên. Nhưng nếu xác định học để lấy kiến thức thì như vậy hoàn toàn không đủ. Hiện tôi biết, có những môn để làm được bài thuyết trình, bài luận cuối kỳ sinh viên nước ngoài phải đọc 300 cuốn sách chuyên ngành” - TSKH Đoàn Hương chia sẻ mối lo về thực trạng sinh viên Việt Nam ngày nay ít dành thời gian đọc sách công cụ, sách chuyên ngành.

Thông tin từ Thư viện ĐHQG TP HCM cho biết, số lượt mượn trả sách tại thư viện đang giảm mạnh đến mức báo động. Bên cạnh đó, số lượt mượn tài liệu về nhà tham khảo cũng giảm gần 50% so với thời gian trước. Trong khi đó, lượng truy cập để tải bài trên mạng lại tăng lên đáng kể.

Việc đa số sinh viên thích tìm kiếm tài liệu tham khảo trên mạng vì thuận tiện, nhanh chóng thay vì tốn hàng giờ đọc sách tham khảo nhưng nhiều khi lại không thấy thông tin cần tìm kiếm là xu hướng có thật, phù hợp với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì tài liệu học qua mạng cũng có những mặt trái khi phụ thuộc việc học vào internet.

Trong khi đó, thế giới mạng rộng lớn với thông tin đa dạng, phong phú nhưng khó kiểm soát. Ai cũng có thể đăng tải các thông tin, tài liệu lên mạng thông qua các diễn đàn, tài khoản cá nhân và người khác có thể dễ dàng tải về máy tính, chỉ cần có kết nối internet. Trong một bể thông tin như thế, thật giả là điều khó phân định rạch ròi.

Chưa kể, việc đọc trên mạng internet trôi đi nhanh hơn so với việc tiếp nhận thông tin từ một cuốn sách vì người đọc có thời gian nghiền ngẫm, suy nghĩ lâu hơn trong khi chỉ cần một cái click chuột tính bằng giây, thông tin đã được lướt qua.

Theo giảng viên Mai Tuyết Nhung (Trường CĐ Du lịch Hà Nội), thông thường mỗi môn học ngay từ đầu kỳ giảng viên đều cung cấp danh mục tài liệu giáo trình tham khảo cần đọc nhưng đó chỉ là những cuốn sách thiết yếu, cơ bản nhất. Nếu sinh viên nào muốn học thực sự thì ít nhất phải đọc gấp 3, 4 lần số sách đó.

“Tuy nhiên, khi áp dụng hình thức học tín chỉ, yêu cầu sinh viên tự học là chính thì số sinh viên tự đọc sách để tìm hiểu thêm rất ít. Nhiều em cả học kỳ chỉ biết đến duy nhất một cuốn giáo trình của môn học, không biết đến bất kỳ sách tham khảo nào khác. Hoặc nếu có, cũng là do giảng viên yêu cầu đích danh phải đọc cuốn này, cuốn kia thì các em mới đọc một cách rất thụ động” – giảng viên Mai Tuyết Nhung nêu vấn đề.

Vì vậy, bà Nhung đề xuất để nâng cao văn hoá đọc trong sinh viên thì chính giáo viên của từng bộ môn phải thay đổi cách dạy học, cách ra đề thi làm sao để sinh viên không thể chỉ ôm khư khư nội dung cuốn giáo trình mà phải chủ động tìm kiếm tài liệu phục vụ cho môn học. Đó là giảng viên ra đầu bài cho sinh viên, yêu cầu sinh viên thuyết trình giữa các nhóm thay vì chỉ nộp báo cáo cho giảng viên cuối kỳ. Tuyệt đối không được linh động, dễ dãi để sinh viên nảy sinh tâm lý học miễn sao qua là được.

TSKH Đoàn Hương thì cho rằng ngày nay, người ta nói nhiều đến việc khôi phục văn hoá đọc trong cộng đồng, trong đó có người trẻ. Việc đọc ở đây là chỉ chung tất cả các loại sách ở các lĩnh vực khác nhau, đọc bằng cách hình thức khác nhau chứ không chỉ gói gọn trong việc cầm quyển sách lên và đọc. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay vẫn không thể quên vai trò của những cuốn sách. Theo bà, muốn trở thành người vừa “hồng” vừa “chuyên” thì thanh niên không có cách nào khác là phải học. Cách học tốt nhất là tự học thông qua việc đọc sách.

“Tôi vẫn luôn nhắc nhở sinh viên, học viên của mình rằng phải đọc sách. Vì đó là chìa khoá của tri thức, nhất là sách về khoa học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết, tri thức của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống. Riêng việc đọc sách công cụ, hãy trau dồi ngoại ngữ để có thể đọc cả sách chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài, mở mang kiến thức” - TSKH Đoàn Hương nhắn nhủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên ít đọc sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO