Sớm điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân

Bắc Phong 15/02/2023 07:00

Luật Thuế thu nhập cá nhân đã thực hiện hơn 10 năm. Đó là khoảng thời gian dài, kinh tế xã hội nhiều đổi thay, vì thế luật này đã bộc lộ bất cập, cần sửa đổi phù hợp với thực tế đời sống. Chính sách thuế thu nhập cá nhân phải bao quát và linh hoạt trong từng thời điểm thay đổi của nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, dự kiến năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn.

Trong thực tế, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật. Khi chính sách đã ban hành không phù hợp với thực tiễn thì cần phải sửa đổi và sửa đổi càng nhanh càng tốt. Các chính sách thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng đều cần phải có tính linh hoạt, tính hướng trước khi áp dụng trong thực tế, chứng tỏ tầm nhìn xa trong quá trình làm luật.

Từ giữa năm 2022 đến nay, lạm phát toàn cầu gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Giá cả hầu hết các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày đều tăng, khiến thu nhập thực tế của người lao động sụt giảm. Thu nhập thấp, giá cả tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người lao động ở các lĩnh vực khác nhau bỏ việc, chuyển việc. Điều đó càng cho thấy việc điều chỉnh thuế TNCN cần thiết phải được điều chỉnh sớm hơn so với kế hoạch.

Hiện quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi họ vừa nuôi con ăn học, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện, tiền nước, các khoản chi phí phụng dưỡng cha mẹ khi hết tuổi lao động, khám chữa bệnh, thuốc men khi ốm đau, bệnh tật. Càng khó khăn hơn với những người phải thuê nhà thì mức thuế TNCN hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.

Trong hơn 10 năm qua tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cần gấp rút điều chỉnh thuế TNCN, đặc biệt cần sớm thay đổi mức giảm trừ gia cảnh. Mọi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, mức giảm trừ 4 triệu đồng là quá thấp. Một trong những vấn đề được người dân quan tâm là nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn duy trì quan điểm chỉ khi số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Ông Thịnh cho rằng không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc trên 4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá thực tế và chi phí bình thường cho nhu cầu cuộc sống. Cần nâng ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong cả giai đoạn 2012 - 2019 tăng 33,05%. Trong giai đoạn từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, mức CPI bình quân tăng 9,95%. Như vậy, trong vòng 10 năm (từ năm 2012 đến tháng 6/2022), CPI tăng 41,98%. Nghĩa là người thu nhập có 100 đồng thì sức mua đã bị giảm đi 40 đồng so với 10 năm trước.

Trong khi đó thu ngân sách từ sắc thuế này ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thuế, năm 2022, số thuế thu nhập cá nhân đạt 166.733 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số thu thuế thu nhập cá nhân đạt cao nhất trong 10 năm gần đây. Số thu thuế này tăng 3,5 lần so với số thu năm 2013 là thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng. So với thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng, số thu thuế thu nhập cá nhân cũng tăng hơn 50% (tương ứng gần 57.000 tỷ đồng).

Để kết thúc bài viết, xin được dẫn ý kiến của PGS Trần Hùng Sơn (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM), đã đến lúc Chính phủ cần rà soát tổng thể và có cải cách lớn, toàn diện về các quy định trong Luật Thuế TNCN. Trong đó cần theo hướng giảm, bỏ các bậc thuế suất thấp như bậc 1 và 2 hiện nay. Đồng thời, nâng khoảng cách giữa các bậc thuế. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện đang quá thấp, không đủ để chi phí cho một trẻ em đang độ tuổi đi học hay một người già đang sống phụ thuộc vào con cháu. Vì thế cần phải được nâng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO