Sớm thay đổi thói quen giao thông ‘điền vào chỗ trống’

MINH DUY 16/10/2022 07:00

Các phương tiện nối đuôi, chen lấn cố nhích từng centimet trên lòng đường, vỉa hè cũng ken đặc xe máy, rồi có cả những người sẵn sàng đi ngược chiều, người dừng phương tiện ở làn đường dành cho các phương tiện được rẽ phải, hay xe máy thì sẵn sàng dừng ở làn ô tô và ngược lại… Những hiện tượng này khiến bức tranh giao thông Hà Nội trở nên hỗn loạn vào giờ cao điểm. Cách tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” ấy đã tồn tại từ rất nhiều năm qua mà chưa có các biện pháp xử lý mạnh tay.

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông, đi sai làn đường theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến cho nhiều đoạn, nút giao trở thành điểm nghẽn giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Ảnh: Lê Khánh.

Vô tư đi sai làn

Tại “điểm nóng” ngã tư Xã Đàn, theo ghi nhận, vào giờ cao điểm sáng và tan tầm buổi chiều dòng xe qua ngã tư nườm nượp. Đây là ngã tư giao với các tuyến phố Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Ô Chợ Dừa, lẽ ra người tham gia giao thông cần phải có ý thức hơn do nút giao thông có tính chất phức tạp, người nọ cần người kia một chút để đảm bảo sự an toàn. Nhưng không những vậy, cảnh mạnh ai nấy đi thường xuyên diễn ra. Xe máy sẵn sàng lấn làn ô tô để chuyển đèn xanh là vội vã lao đi vun vút, hay xe ô tô cũng sẵn sàng lấn làn xe máy theo kiểu “điền vào chỗ trống” khi thấy khoảng trống đó vừa chiếc xe của mình… Trong khi đó người đi xe đạp người thì đứng ở làn ô tô, người thì đứng ở làn xe máy.

Tương tự, trên tuyến đường Kim Mã, khoảng 8 giờ sáng, đoạn ngã tư giao với Liễu Giai, quận Ba Đình, ô tô, xe máy, xe đạp cũng chen chúc nhau “điền vào chỗ trống” khiến giao thông trở nên vô cùng lộn xộn. Chỉ cần chiếc xe phía trước dừng lại cũng đủ khiến cho dòng xe phía sau tắc nghẽn rất khó có thể di chuyển tiếp được. Còn tại nút giao Mai Dịch, quận Cầu Giấy, từ 7 giờ sáng các phương tiện giao thông lớn như xe tải thường xuyên lưu thông khiến các phương tiện còn lại phải luồn lách, lấn làn của nhau. Đường vốn đã tắc nay càng tắc thêm.

Một ví dụ khác, khi tuyến phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm thí điểm tổ chức lại từ đường một chiều thành đường hai chiều có nhiều phương tiện đi sai làn. Như tại ngã tư phố Quang Trung cắt Nguyễn Du, nhiều chủ phương tiện vẫn có thói quen đi, dừng, đỗ sang làn bên trái, gây khó khăn trong việc di chuyển của các phương tiện hướng từ phố Quang Trung về phố Trần Nhân Tông. Nhiều phương tiện lái xe vi phạm giao thông dù tuyến phố đã trang bị hệ thống biển báo, vạch kẻ đã được điều chỉnh theo đường hai chiều. Hay vào giờ tan tầm, chứng kiến tại đoạn lên cầu Chương Dương đi hết chiều rộng chỉ được khoảng 3 ô tô, nhưng xe ô tô kiểu gì cũng đan so le đến 4 xe. Thậm chí xe máy đi sát lề còn bị ô tô tạt đầu. Rồi nhiều tài xế ô tô lại bức xúc, dù đã đi đúng làn đường dành cho ô tô, nhưng xe máy hở ra là “điền vào chỗ trống” ngay, rồi nhảy sang làn ngược chiều gây tắc cứng cả 2 làn… Hậu quả là từ một đoạn đường lẽ ra chỉ di chuyển khoảng 20 phút nhưng người tham gia giao thông đã phải đi mất cả tiếng đồng hồ mệt mỏi “chôn chân” trong khói bụi và tiếng ồn.

Đường sá ngày càng tắc nghẽn

Đánh giá thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận: Ngoài hạ tầng đường sá không đáp ứng được với lượng phương tiện tăng cao, còn do ý thức của người tham gia giao thông kiểu “điền vào chỗ trống”, không chỉ ô tô mà ngay cả xe máy. Ý thức tham gia giao thông còn hạn chế vẫn là hiện trạng lâu nay, mạnh ai nấy đi hoặc đi đúng làn, nhiều người cứ có khoảng trống là đi vào không kể là làn ô tô hay xe máy. Thậm chí đi ngược chiều gây ra ùn tắc trầm trọng hơn.

Một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cũng cho hay, việc ô tô di chuyển không thứ tự, hàng lối xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy vậy, do đa số các tuyến đường nội thành Hà Nội tổ chức giao thông kiểu hỗn hợp nên CSGT chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở chứ không thể xử phạt răn đe.

Thực tế, không chỉ ở ngã tư Xã Đàn, đường Kim Mã, nút giao Mai Dịch, đường Quang Trung mà ở nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Đại Cồ Việt… hành vi đi sai làn đường theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến cho nhiều đoạn, nút giao trở thành điểm nghẽn giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Gây tắc nghẽn giao thông là một chuyện, việc đi sai làn đường còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng: Trước hết là cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện và việc tổ chức giao thông cũng chưa thật hợp lý. Đồng thời Sở này nhấn mạnh ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn kém, đường hẹp, xe đông nhưng người tham gia giao thông vẫn cố tình chen lấn, không ai chịu nhường ai, dẫn đến ùn tắc.

Nâng cao giám sát, xử phạt

Có thể thấy, ùn tắc giao thông vẫn là một câu chuyện dài và chưa thấy điểm kết thúc. Dù thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng để xử lý được triệt để không phải là chuyện dễ dàng. Mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc tiếp tục thí điểm phân làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến). Theo đó, việc thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi được thực hiện từ 6/8 và dự kiến diễn ra trong một tháng. Ngày 16/9 Sở Giao thông vận tải cho rằng sau 1 tháng thí điểm cho thấy “kết quả tích cực”. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở đề xuất thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn tới ngày 31/12. Tuy nhiên, Sở cũng thừa nhận còn một số tồn tại, như chỉ 10 ngày đầu thí điểm (6-16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên. Trong đó đáng chú ý vẫn là tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại (đặc biệt theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến). Vào khung giờ cao điểm, các khu vực gần nút giao thông (Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Phụng), khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm quay đầu trên tuyến vẫn bị ùn ứ.

Với kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - vành đai 3, mới đây, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe tại hầm chui Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, công trình này có tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng. Dù vậy, thời điểm 8h sáng 5/10, tại lối ra hầm chui này trên đường Lê Văn Lương đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Sau đó, cảnh sát giao thông đã điều chỉnh thời gian của các đèn tín hiệu quanh khu vực nên tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao đã được cải thiện đáng kể, nhất là hướng Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại. Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu. Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương. Hy vọng với nỗ lực của Hà Nội, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm sẽ từng bước được gỡ khó.

Trở lại với vấn đề ý thức người dân khi tham gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải - kinh tế Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng: Không đơn giản chỉ đặt dải phân cách cứng là tạo nên hiệu quả được. Muốn có hiệu quả thực sự trên tuyến đường Nguyễn Trãi trong bối cảnh giao thông hiện nay bằng giải pháp tổ chức giao thông phải dựa trên khoa học. Công nghệ hiện nay cho phép mô phỏng các giải pháp tổ chức giao thông định thực hiện rất dễ. Nếu định triển khai tổ chức giao thông thế nào, đặt dải phân cách cứng ở đâu, chặn chỗ nào, mở chỗ nào cho xe quay đầu chỉ cần mô phỏng bằng phần mềm thì sẽ đánh giá được ngay hiệu quả trước khi triển khai thực tế. Hiện nay, đường Nguyễn Trãi dùng dải phân cách cứng để tách dòng xe trên một số đoạn nhưng không xử lý triệt để được tại các điểm giao cắt thì hiệu quả sẽ không đáng kể.

Đề cập tới ý thức người dân - một trong những yếu tố quan trọng cải thiện tình trạng ùn tắc hiện nay, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn bày tỏ: Tình trạng ùn tắc giao thông phụ thuộc vào ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Ngoài tuyên truyền và nâng cao nhận thức, cần nâng cao giám sát và xử phạt mới cải thiện được ý thức và tình hình giao thông.

Ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” thực chất là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ còn hạn chế, thiếu ý thức, trống chỗ nào chèn vào chỗ đó, vi phạm về quy tắc sử dụng làn đường (người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép…); quy tắc chấp hành quy định khoảng cách giữa các xe (phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường); quy tắc chuyển hướng xe (quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng chuyển mới được phép chuyển hướng)...

Đề giải quyết vấn đề trên, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất giải pháp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quy tắc giao thông đường bộ khi tham gia gia giao thông đường bộ ở nhiều cấp độ khác nhau để tạo ý thức tốt và thói quen chấp hành luật khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc để tạo sự răn đe chung. “Đặc biệt trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, cần làm tốt công tác tổ chức giao thông tại các nút giao và trên đường từ việc bố trí biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, bố trí làn đường, nơi chuyển hướng,… một cách khoa học, rõ ràng để người tham gia giao thông chấp hành pháp luật một cách đầy đủ”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Công tác giáo dục, tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả

Yếu tố mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa”, đó là: Hạ tầng giao thông Việt Nam chưa hoàn thiện. Thông thường, một đô thị triệu dân thì hệ thống xe buýt, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác cũng phải có quy mô tương ứng, nhưng hiện nay hệ thống này chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Đáng lưu ý công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý chưa phát huy được hiệu quả cần thiết nên ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông chưa trở thành nếp.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội: Xử lý mạnh tay với người tham gia giao thông vi phạm

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, với các trục chính nội đô đủ điều kiện có thể xem xét xây dựng, lắp đặt những cầu vượt hỗn hợp dành cho cả xe máy và người đi bộ để hạn chế tình trạng đi ngược chiều hoặc ùn tắc tại điểm mở quay đầu. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe, gây cản trở giao thông. Với những “điểm đen” do ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay hơn, thậm chí tịch thu phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm thay đổi thói quen giao thông ‘điền vào chỗ trống’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO