Sống ở nơi nào chỉ số hạnh phúc tăng lên là được

Minh Hải (thực hiện) 23/10/2021 19:00

Là người được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020, nhưng cô giáo Hà Ánh Phượng lại chọn cuộc sống đơn giản ở vùng cao Thanh Sơn (Phú Thọ) để gắn bó với mô hình lớp học xuyên biên giới của mình. Cô chia sẻ, nhiều người cho rằng về quê sẽ có rất nhiều thách thức. “Nhưng ở thời điểm phải lựa chọn, tôi tự nhủ, đó là quê mình mà. Tôi chưa bao giờ có quan điểm ở thành phố sẽ sướng, ở nông thôn sẽ khổ. Tôi nghĩ sống ở nơi nào mà chỉ số hạnh phúc của mình tăng lên là được. Chỉ số hạnh phúc là thứ mà tôi phấn đấu, chứ đó không phải là tiền bạc, danh vọng hay giải thưởng”.

Khó khăn không khuất phục

PV:Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Ủy ban Dân tộc triển khai chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”, kêu gọi những câu chuyện truyền cảm hứng từ cộng đồng nhằm khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, tiếp tục học tập sau đại dịch Covid-19. Cô giáo Hà Ánh Phượng cũng tham gia ủng hộ chiến dịch?

Cô giáo Hà Ánh Phượng: Với chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”, tôi đã được UNESCO gửi thư mời để chia sẻ câu chuyện và những kinh nghiệm của mình. Câu chuyện của tôi bắt đầu từ khi tôi còn là cô bé Mường ở quê nhà Thanh Sơn, một lần tình cờ được xem bộ phim kể về một cô giáo vùng cao chiếu ở hội trường xóm. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết bộ phim mang tên “Cô giáo vùng cao” của Đạo diễn Nông Ích Đạt. Ngày ấy, sau khi xem tôi cảm thấy rất ấn tượng về hình ảnh cô giáo với quyết tâm đưa con chữ đến với trẻ em vùng cao,đó là bộ phim tôi đặc biệt nhớ. Từ đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của giáo dục.

Sau những gì nỗ lực, khi tôi được đứng trong Top 50 giáo viên toàn cầu, đoàn làm phim của Truyền hình Nhân dân đã về trường THPT Hương Cần - nơi tôi đang giảng dạy để làm phim về tôi. Đoàn làm phim ở quê tôi 3 ngày, quay các hoạt động dạy học của tôi để làm sao có được những hình ảnh và cảm xúc thực nhất. Và “Cô giáo Mường toàn cầu” đã được giải Vàng thể loại phóng sự tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 (năm 2020).

Liên tưởng cách đây 20 năm trước tôi được xem “Cô giáo vùng cao” và không ngờ 20 năm sau lại là bộ phim về chính mình. Câu chuyện đó tôi đã chia sẻ trước khi bộ phim làm về tôi được giải Vàng, từ khi tôi chưa được vào Top 10 giáo viên toàn cầu. Có thể nói, bộ phim của đạo diễn Nông Ích Đạt đã truyền cảm hứng, sự khao khát và có lẽ cũng là cái duyên để tôi đến với nghề giáo viên hôm nay.

Thành công với mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô đã giúp học sinh giao lưu trực tuyến với bạn bè ở 40 quốc gia từ khắp các châu lục trên thế giới để nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

- Thực ra mô hình xuất phát từ thực tế học sinh ở trường Hương Cần không có cơ hội được học tiếng Anh như những nơi khác. Mà quan điểm dạy học của tôi là Anh ngữ phải là sinh ngữ, vì học tiếng Anh phải có môi trường nếu không cứ học lý thuyết mà không giao tiếp thì chẳng nói được đâu. Từ ý tưởng đó và bản thân tôi cũng rất sợ tụt hậu.

Về trường Hương Cần từ năm 2016. Tôi bắt đầu tìm tòi tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo của Microsoft và áp dụng “Lớp học xuyên biên giới” kết nối với lớp học ở các nước không quá chênh lệch múi giờ, để học sinh có thể trải nghiệm.

Nhiều người cho rằng học sinh dân tộc thiểu số học ngoại ngữ là một thách thức, cô có nghĩ vậy không?

- Tôi có niềm tin ở các em. Các em từ nhỏ lớn lên đã có 2 ngôn ngữ, nên đây chính là điểm thuận lợi cho các em chứ không phải nhược điểm. Từ bản thân tôi cũng là một ví dụ. Tôi thường không bị khuất phục bởi những khó khăn. Tôi nhận ra rằng mình đang truyền nguồn năng lượng tích cực cho các em học sinh, đặc biệt là những em học sinh người dân tộc thiểu số hiểu rằng ở bất cứ nơi nào nếu các em có sự cố gắng thì ở đó sẽ có sự nở hoa.

Cô có thể chia sẻ phương pháp học tiếng Anh ở “lớp học xuyên biên giới”?

- Phương pháp học tiếng Anh của tôi rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay, một tài khoản skype và tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu cùng với một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với hàng nghìn giáo viên, học sinh trên toàn thế giới. Sau một năm học theo mô hình này, học sinh của tôi đã không còn rụt rè mà đã tự tin giao tiếp với những người bạn nước ngoài. Những tiết học tiếng Anh hiệu quả, học sinh được trải nghiệm và du lịch qua màn ảnh nhỏ. Một học sinh ở Mỹ, một học sinh ở Ấn Độ, một học sinh ở Việt Nam... Khác màu da, khoảng cách địa lý xa xôi nhưng có thể nhìn thấy nhau mỗi ngày, giao tiếp và kể cho nhau nghe những câu chuyện văn hóa, học tập và cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt, khi thiết kế những bài giảng cho học sinh, tôi luôn nhấn mạnh việc các em học hỏi được cái hay cái đẹp của bạn bè thế giới. Bên cạnh đó các em cũng phải quảng bá được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam với thế giới.

Cô giáo Hà Ánh Phượng với các em học sinh ở quê nhà.

Xây dựng kỹ năng để học sinh tự học

Không chỉ dừng lại ở Trường THPT Hương Cần quê nhà, thời gian qua cô đã truyền cảm hứng dạy và học tiếng Anh cho rất nhiều giáo viên cũng như học sinh ở các địa phương trên cả nước?

- Tôi nghĩ rằng bằng trái tim thật và cảm xúc thật của mình tôi mới đúng, bởi từ truyền cảm hứng rất trừu tượng. Có rất nhiều nơi mời tôi tham gia những chương trình truyền cảm hứng, tôi nói tôi không đi truyền cảm hứng đâu vì tôi chỉ sợ hết hứng mọi người không muốn làm nữa. Tôi muốn mọi người thấy rằng điều mà tôi chia sẻ phải thực tế. Như chia sẻ với giáo viên, tôi muốn chia sẻ về kinh nghiệm để giáo viên thấy những điều họ chưa biết. Ví dụ tôi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới. Sau các buổi như vậy thì các cô giáo biết cách để áp dụng vào thực tế. Lúc đó mới tạo được cảm hứng cho các cô.

Tôi đã đến rất nhiều các sở giáo dục để chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới. Thậm chí có xã ở Na Hang (Tuyên Quang) hầu như 100% là đồng bào dân tốc thiểu số. Sau khi được tôi hướng dẫn, các cô giáo đã làm được như tôi. Tôi thích hướng dẫn và chia sẻ cho họ những kinh nghiệm thực tế, chứ theo tôi lý thuyết chỉ là cơ sở mà thôi.

Đó là với đồng nghiệp, còn với học sinh?

- Tôi cũng là học sinh người dân tộc thiểu số. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi rất hiểu các bạn ấy thiếu cái gì. Ví dụ, ngày xưa tôi chỉ ước ao được nói chuyện với bạn người nước ngoài, vì khi mình nói được thì mình có được cảm giác rất hạnh phúc. Khi tôi về trường, tôi đã chia sẻ với học sinh của tôi. Những buổi đầu tiên các bạn ấy cũng hơi sợ sệt và lo lắng vì chưa nói được. Nhưng khi được kết nối với bạn bè bằng tuổi ở các quốc gia khác nhau thì các bạn ấy thấy rất vui. Tâm lý học sinh là rất thích kết bạn với người cùng trang lứa của mình. Sau đó là tôi cho các bạn cùng chat, nhắn tin với nhau. Rồi các bạn tự viết thư, tự học tiếng Anh.

Quan điểm của tôi là xây dựng kỹ năng tự học cho học sinh, đó mới là điều quan trọng nhất. Tôi có thể xây dựng các phần mềm để biết rằng là học sinh đã làm bài chưa, học sinh đã mở ra nhưng chưa làm bài… hay những ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý học sinh. Cộng với xây dựng kỹ năng tự học, tôi phải cho các bạn thấy rằng bản thân mình phải làm được những điều đó. Thậm chí có những bạn chưa biết tiếng Anh nhưng phải biết cách tra Google để hiểu được.

Nói chung tôi cũng đặt ra được những quy tắc và xây dựng văn hoá tự học. Khi cả cô và trò cùng nghiêm túc thực hiện thì tôi nghĩ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn thôi các bạn học sinh sẽ nói được. Thí dụ ngày xưa tôi đi học các cô giáo hay có vở soạn văn, thì nay học sinh của tôi ở lớp 100% phải có vở soạn Anh. Nếu đến lớp không có vở soạn Anh thì coi như chưa làm bài tập về nhà. Tôi yêu cầu học sinh ở nhà sẽ đọc tài liệu và soạn bài trước và đến lớp thì có thời gian để chia sẻ với các bạn ấy sâu hơn để các bạn hiểu bài hơn. Tóm lại là xây dựng kỹ năng tự học với văn hoá chia sẻ là những thứ tôi đã cố gắng để xây dựng cho học sinh.

Ngoài mô hình lớp học xuyên biên giới mới chỉ hỗ trợ được những học sinh trực tiếp tại lớp học nên thời gian tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để phát triển kênh YouTube cá nhân, từ đó dạy miễn phí cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh lớp 12.

Cô Hà Ánh Phượng kết nối học sinh nhiều quốc gia khác trong mỗi tiết học tiếng Anh qua ứng dụng Skype.

Đau đáu với quê hương

Sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cấp II theo học trường dân tộc nội trú huyện, cấp III học trường nội trú tỉnh, tôi được nhà nước nuôi. Khi vào Trường Đại học Hà Nội tôi được miễn học phí cho đến lúc tốt nghiệp. Khi ra trường tôi lại được đặc cách học Thạc sĩ… “Món nợ” ân tình ấy khiến tôi lúc nào cũng thấy đau đáu với quê hương. Cùng với giấc mơ trở thành cô giáo, tôi đã lựa chọn sự trở về.

Đã có lúc nào cô có cảm giác thất bại với ý tưởng của mình đưa ra?

- Có chứ, còn nhớ những ngày đầu triển khai mô hình lớp học xuyên biên giới, màn hình máy tính khá eo hẹp, chỉ thu được một góc nhỏ trong lớp, tôi đã chia sẻ với thầy Hiệu trưởng về cách giải quyết. Thầy không quản ngại hàng chục cây số, đã ngay lập tức cho lắp camera để vận hành tốt hơn. Buổi đầu tiên, tôi cho học sinh kết nối với thầy giáo ở Brazil chia sẻ về chủ đề bóng đá, nhưng các em rất bối rối, chỉ biết nói “Hi! Hello”, thậm chí còn ngại ngùng. Lúc đó tôi từng có cảm giác thất bại, nhưng tôi không chịu khuất phục. Ngay hôm sau, tôi đã nhờ thầy giáo người Brazil sắp xếp buổi gặp gỡ giữa học sinh Brazil và học sinh của tôi. Ở buổi học trực tuyến đó, các bạn ấy đã hào hứng nhập cuộc và còn xin Facebook của các bạn nước ngoài để trao đổi.

Với những thành tích “khủng”, nhưng cô cũng được nhiều người biết đến với lối suy nghĩ khác thường. Như từng được đề nghị trả mức lương cao ở Hà Nội nhưng cô lại chọn về quê dạy học?

- Sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cấp II theo học trường dân tộc nội trú huyện, cấp III học trường nội trú tỉnh, tôi được nhà nước nuôi. Khi vào Trường Đại học Hà Nội tôi được miễn học phí cho đến lúc tốt nghiệp. Khi ra trường tôi lại được đặc cách học Thạc sĩ… “Món nợ” ân tình ấy khiến tôi lúc nào cũng thấy đau đáu với quê hương. Cùng với giấc mơ trở thành cô giáo, tôi đã lựa chọn sự trở về.

Thời điểm học thạc sĩ ở Hà Nội, tôi đã mở lớp tiếng Anh dạy tới 2.000 học sinh. Và cũng có rất nhiều lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn, tôi vẫn lựa chọn về quê và không chút đắn đo. Học thạc sĩ xong là tôi được đặc cách về quê và dạy tại Trường THPT Hương Cần, bố mẹ tôi rất ủng hộ vì muốn con gái ổn định cuộc sống. Nhiều người cho rằng về quê sẽ có rất nhiều thách thức. Nhưng thời điểm đó tôi tự nhủ, đó là quê mình mà, việc gì phải sợ. Tôi chưa bao giờ có quan điểm ở thành phố sẽ sướng, ở nông thôn sẽ khổ. Tôi nghĩ sống ở nơi nào mà chỉ số hạnh phúc của mình tăng lên là được. Chỉ số hạnh phúc là thứ mà tôi phấn đấu, chứ đó không phải là tiền bạc, danh vọng hay giải thưởng.

Những dự án cô chọn làm thì đó chỉ là những dự án phi lợi nhuận, cô có thể chia sẻ điều này?

Với những dự án tôi đang thực hiện, đó hoàn toàn là những dự án phi lợi nhuận, chứ không phải mục đích làm dự án lấy tiền. Tôi rất ngại động chạm tới chuyện tiền nong. Với tôi, quan trọng nhất là giá trị học sinh sẽ nhật được. Bởi vì vất vả chút thôi nhưng cảm xúc của tôi rất vui và tự hào khi thấy các bạn học sinh của tôi có thể đứng trước người nước ngoài nói chuyện trực tiếp, hay thuyết trình về văn hoá của mình.

Những ngày đầu về dạy ở trường Hương Cần tôi chỉ mong lớp mình dạy có 1 đến 2 bạn đỗ đại học Ngoại ngữ hay chuyên khoa ngoại ngữ tiếng Anh tại các trường đại học là tôi hạnh phúc lắm rồi. Nhưng tới khoá vừa rồi, rất nhiều bạn đã đỗ đại học ngoại ngữ, cũng như các chuyên khoa Anh ở các trường đại học. Có bạn còn đỗ cả Á khoa Trường Đại học Hà Nội nơi tôi từng theo học. Đó chính là những động lực để tôi luôn cố gắng.

Ở vai trò của một nữ đại biểu Quốc hội, cô đã đề xuất được gì từ kỳ đầu tiên tham gia? Những vấn đề cô muốn tìm hiểu từ cử tri trong thời gian tới là gì?

- Tôi quan tâm đến nhiều vấn đề như an toàn của trẻ em trên không gian mạng, bình đẳng giới, chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và những người làm giáo dục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là những tiền đề để tôi tiếp xúc cử tri, tất nhiên sẽ còn những vấn đề khác trong quá trình tôi lắng nghe họ. Tôi mới tham gia kỳ đầu tiên và tới đây là kỳ thứ 2, tuy thời gian chưa nhiều nhưng những gì tôi đã hứa trong vận động bầu cử thì tôi nghĩ tôi đang làm rất tốt.

Vậy dự án sắp tới của cô là gì?

- Tôi đang thực hiện dự án quốc tế “Phòng chống bắt nạt trẻ em trên không gian mạng” nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình. Ý tưởng của tôi xuất phát từ sau khi dạy mô hình lớp học xuyên biên giới, tôi thấy có rất nhiều thách thức với học sinh. Tôi nghĩ vấn đề an toàn trên không gian mạng không chỉ có học sinh mà với người lớn cũng rất cần thiết. Nhưng đối tượng tôi hướng tới là học sinh.Trong dự án này chúng tôi có mời các chuyên gia trong nước và quốc tế để họ chia sẻ với học sinh. Tôi cũng đưa ra cẩm nang để học sinh cùng tham gia.

Trong một nghiên cứu mới đây tại trường Hương Cần, chúng tôi đã tìm ra được thực trạng đáng lo ngại là có tới 2/3 học sinh của trường đã từng bị bắt nạt qua mạng với nhiều mức độ. Tôi nghĩ, một ngôi trường nhỏ và phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số đã như vậy, chứng tỏ với các trường lớn, số học sinh bị bắt nạt còn hơn nhiều.

Với dự án này, chúng tôi xây dựng một chatbot- phần mềm tính năng tự động giúp tương tác, khi một em học sinh nói tôi đang bị bắt nạt, nên phải làm gì thì chat bot đó sẽ trả lời học sinh hay gọi điện cho đường dây nóng để tư vấn tâm lý. Hiện tôi đã kêu gọi được đội ngũ tư vấn tâm lý là những người có uy tín ở trong nước và các quốc gia, nhiều người tình nguyện tham gia miễn phí. Cùng với đó là đội ngũ chuyên gia an ninh mạng. Dự án của chúng tôi được Đại sứ quán Thái Lan tài trợ. Dự kiến ngày 17/10 tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo quốc tế trong khuôn khổ dự án nói trên, trong đó sẽ mời rất nhiều diễn giả trên thế giới. Với Dự án này chúng tôi kết hợp với Mô hình lớp học xuyên biên giới, đã có 47 trường ở 20 quốc gia cam kết cùng tham gia.

Sau công việc bận rộn là gia đình, cô có thể chia sẻ về cuộc sống riêng của mình, cũng như cách dạy tiếng Anh cho cậu con trai nhỏ đang được cộng đồng mạng quan tâm?

- Tôi may mắn được gia đình chồng rất thấu hiểu công việc và hậu thuẫn một cách vững chắc. Hạnh phúc của tôi còn là cậu con trai nhỏ. Hai mẹ con thường xuyên trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Anh, dù công việc bận đến đâu tôi vẫn dành khoảng 30 phút trước khi đi ngủ để kể cho con nghe những câu chuyện tiếng Anh. Tôi không mong con thành thiên tài mà muốn con hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh và tự tạo ra môi trường tốt nhất cho con. Tôi dạy con theo hướng tiếp cận tự nhiên, tất cả những gì con biết được đều đến từ cuộc sống hằng ngày. Tôi không mặc định với con đó là học, con cũng không hề nghĩ là đang học, nhưng thực tế con lại tiếp thu được rất nhiều thứ.

Trân trọng cảm ơn cô giáo Hà Ánh Phượng!

Năm 2009, Hà Ánh Phượng đạt học bổng Hoa Trạng nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT trao tặng. Năm 2011, cô là một trong 14 sinh viên châu Á đoạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội với tấm bằng loại ưu, cô được đặc cách học Thạc sĩ và trở về trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ dạy học từ năm 2016. Ngay từ năm 2017, Ánh Phượng đã ứng dụng các phần mềm Zoom và Skype để đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống.

Năm 2020, Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize 2020) do Varkey Foudation lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc.

Ngoài những giờ giảng dạy, cô Hà Ánh Phượng còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như dạy học sinh tiếng Anh miễn phí, làm thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh; hướng dẫn học sinh làm dự án quốc tế - “Say no to plastic straw” đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GDĐT phối hợp với tập đoàn Microsoft tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống ở nơi nào chỉ số hạnh phúc tăng lên là được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO