Sốt xuất huyết vẫn diễn biến bất thường

Ngọc Hải 23/06/2017 14:40

Số ca sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang tăng cao. Đặc biệt, thời gian qua tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM có 4 ca sốt xuất huyết dẫn đến tử vong càng khiến việc phòng chống sốt xuất huyết trở nên cấp bách hơn.

Ngủ màn để phòng muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết

Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh

Tại Hà Nội, số bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 5. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch. Số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...

Đáng lo ngại, sốt xuất huyết đã khiến một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong hồi trung tuần tháng 5 vừa qua càng khiến dư luận nghi ngại về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Nữ sinh viên này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với virus SXH Dengue typ 1.

Trước diễn biến khó lường của dịch, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó đặc biệt tuyên truyền, tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống. Các địa phương tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; tập trung cứu chữa người bệnh để giảm tử vong.

Sốt xuất huyết ở người lớn rất khác ở trẻ em. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại - xuất huyết nhiều hơn sốc và sốt cao hơn trẻ em. Người lớn mắc SXH có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Có thể có nổi mẩn, phát ban; Có dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng… cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

Còn tại TP HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 7.559 ca bệnh sốt xuất huyết, tương đương cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 5, TP có 233 trường hợp mắc SXH, tăng 6,9% so với 4 tuần kế trước.

Mặc dù TP đã đưa ra nhiều giải pháp phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm trong công tác triển khai phòng chống dịch, nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện đạt yêu cầu công tác kiểm soát này. Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện có 12/14 quận huyện không đạt yêu cầu trong công tác kiểm soát điểm nguy cơ.

Tại Cần Thơ, tính đến ngày 9/6, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 8/6, thành phố Cần Thơ ghi nhận 590 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết gây ra, nhưng dự báo bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch khi đã vào mùa mưa, muỗi có thêm điều kiện thuận lợi để sinh sản nhanh.

Trong gần 6 tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị 853 ca bệnh sốt xuất huyết nội trú đến từ thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang…Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi, chiếm tỉ lệ gần 84%.

Diễn biến khó lường

Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cảnh báo, năm nay mùa mưa đến sớm nên nguy cơ SXH “vào mùa” sớm và tăng cao hơn so với năm 2016. ThS.BS Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho rằng mầm bệnh SXH luôn hiện hữu trong cộng đồng, nên muỗi vằn gia tăng sau những cơn mưa bất chợt khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết cũng gia tăng theo.

Cùng với đó, diễn khó lường của thời tiết khiến các mầm bệnh SXH luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.

Đồng quan điểm này, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho rằng, sốt xuất huyết bùng phát mạnh là do thời tiết diễn biến bất thường, người dân chưa chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên. Qua kiểm tra, chỉ số muỗi và lăng quăng vẫn còn cao trong môi trường tự nhiên. Bác sĩ Việt khuyến cáo, trường hợp trẻ bị sốt, sốt cao và trên da ửng đỏ là dấu hiệu của sốt xuất huyết; phụ huynh cần đưa trẻ đến các bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bệnh chưa có vaccine phòng đặc hiệu nên có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017.

Từ 7 năm nay, ngày 15-6 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN chọn là Ngày ASEAN phòng chống SXH. Theo nhận định của WHO, SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngành y tế đã khuyến cáo để người dân cảnh giác trước diễn biến thời tiết Elnino, nắng nóng sẽ mưa nhiều, dễ sinh SXH.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng, trong thời gian tới SXH còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam. SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn.

Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là ngăn chặn muỗi đốt như diệt muỗi, bọ gậy…

Do đó, ngành y tế yêu cầu các địa phương triển khai diệt lăng quăng, kiểm soát những điểm nguy cơ và thực hiện vệ sinh môi trường. Riêng việc phun hóa chất trên diện rộng sẽ thực hiện trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa dịch. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần chủ động các biện pháp: vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn thường xuyên... khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết vẫn diễn biến bất thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO