Sự chủ quan có thật

Thanh Tường 21/05/2019 08:00

Đã hơn 3 tháng qua, tính từ khi bắt đầu xuất hiện và lan rộng dịch tả lợn châu Phi ở nước ta (thời gian đầu là một số tỉnh phía Bắc), công bằng mà nói mọi chủ trương, biện pháp phòng chống và dập dịch đã được triển khai rất bài bản, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thời gian đầu mới xuất hiện dịch, chúng ta đã chủ động bao nhiêu thì càng về sau càng có những biểu hiện chủ quan, thậm chí lúng túng trong từng giải pháp, kể cả giải pháp truyền thông.

Sự chủ quan có thật

Cán bộ chăn nuôi thú y Hà Nội lấy mẫu test nhanh dịch tả châu Phi tại lò mổ Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội. Nguồn: laodong.vn.

Tính đến nay, toàn quốc đã có trên 2.300 xã trong tổng số 34 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Khoảng 2 tuần qua, dịch nhanh chóng lan ra tại một số địa phương ở phía Nam như Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…, rồi tiếp tục hoành hành ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cá biệt có những địa phương như Hà Nội 24/24 quận huyện có sự “hiện diện” của dịch này. Thống kê sơ bộ tính đến ngày 19/5, cả nước đã có khoảng trên 1,5 triệu con lợn bị tiêu hủy do dính dịch, chiếm trên 5% tổng đàn lợn hiện có với mức độ thiệt hại bằng nhiều ngàn tỷ đồng.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong ngày 19/5 vừa qua đã có chuyến thị sát và chỉ đạo khẩn trương công tác phòng chống và dập dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Tại đây, sau khi nghe báo cáo, thăm gặp các hộ chăn nuôi và trực tiếp chứng kiến, ghi nhận công tác chủ động khẩn trương phòng chống và dập dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Tôi vào hộ ở xã Tiên Dương thì thấy cách làm quyết liệt, hủy cả đàn, chôn lấp đúng kiểu, hỗ trợ người dân kịp thời”.

Nhưng cũng theo Thủ tướng đánh giá, do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam phần lớn là “nông hộ”, với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, TP bị thiệt hại với 5% tổng đàn. Ở Hà Nội, có trên 10% tổng đàn bị thiệt hại, riêng huyện Đông Anh thì thiệt hại đến 20%.

Rõ ràng, công tác phòng chống và dập dịch tả lợn châu Phi là không thể trong ngày một ngày hai, thậm chí còn là một cuộc chiến lâu dài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cấp ủy, chính quyền, bộ ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần: Phòng chống dịch như chống giặc! Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong khống chế dịch tả lợn châu Phi. “Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn, thường vụ huyện ủy ở đây phải thay đổi phương thức, cách làm, phải chỉ đạo quyết liệt để không xảy ra cả huyện. Không làm sơ sơ được, mà cần có cách làm rất cụ thể, quyết liệt” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mới khoảng hơn 1 tháng trước, sau khi một số ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc các tỉnh thành phía Bắc cơ bản được khống chế, thực sự chúng ta đã có sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thậm chí có địa phương còn có dấu hiệu “buông” câu chuyện này. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy công tác phòng chống, khống chế dịch còn nhiều tồn tại hạn chế. Các ổ dịch không được tiêu độc khử trùng đúng quy định, lợn chết không được tiêu hủy đúng cách. Có nơi lợn chết dịch được người dân đem thả trôi sông gây ô nhiễm và làm nguồn lây lan dịch sang các địa phương khác.

Vì vậy, để kết cho chuyên mục góc nhìn này, xin mượn lời Thủ tướng Chính phủ để tăng cường thêm những khuyên cáo, kiến nghị với công tác phòng chống và dập dịch tả lợn châu Phi, rằng: “Các địa phương không được chủ quan, ỷ lại, chính quyền các cấp phải chủ động hơn, có kế hoạch cụ thể để dập dịch hiệu quả hơn”. Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị phát động phong trào trong cả nước từ cơ sở đến mỗi người dân, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn, giảm thiệt hại cho kinh tế nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự chủ quan có thật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO