Bất cập y tế học đường

Hồng Vân 22/10/2017 07:30

Y tế trường học là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học... Công việc khá quan trọng, nhưng dường như lại chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, thời gian qua, khi cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương vong tại trường học, càng thấy công tác y tế học đường cần được chú trọng hơn.


Khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngay tạ trường học

Liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra trong trường học

Việc học sinh bị ngã từ tầng cao xuống đất, bị cổng trường đổ đè gãy xương, bị điện giật chết, bị bỏng cồn, ngã vỡ đầu, gãy chân tay, thậm chí bị taxi đâm ngay trong sân trường …, là những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khá thường xuyên tại môi trường học đường khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng.

Theo đó, chiều 17/10 gần 100 học sinh khối lớp 3-4 trường tiểu học Thạnh Quới A (Long Hồ, Vĩnh Long) đang học thì bất ngờ trần la phông cùng bóng đèn và đường điện sập xuống khiến các em hoảng sợ, tháo chạy ra ngoài. Khoảng 20 học sinh bị các tấm la phông rơi trúng, trong đó 9 em bị thương được đưa đi cấp cứu. Một trường hợp bị thương nặng được tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Theo Ban giám hiệu nhà trường, sự việc xảy ra khi có cơn gió mạnh thổi qua khiến la phông dãy 5 phòng học bằng fibro ximăng sập xuống. Các phòng khác cũng bị rơi một vài miếng nhỏ.

Chiều 17-10, một học sinh lớp 8, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị ngã từ tầng 2 xuống đất. Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi bị ngã, học sinh được Ban giám hiệu và thầy cô đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và báo với gia đình học sinh. Nguyên nhân xảy ra vụ việc đáng tiếc là do học sinh đu lên lan can để tập xà và bị trượt tay.

Trước đó, ngày 12/10, anh Phạm Văn Đạt ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có con học lớp 1 Trường Tiểu học Tam Quan, bị cánh cổng trường đổ sập xuống người dẫn đến gãy xương quai xanh. Anh Đạt kể, sau giờ tan học, con gái anh ra cổng trường chờ mẹ đến đón thì cổng trường bất ngờ đổ ập xuống đè lên người. Con anh được cô giáo và mẹ đưa đến phòng y tế rồi Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đảo điều trị thì kết quả cháu bị gãy xương, chịu nhiều đau đớn và sợ hãi.

Cũng trong ngày 12/10, em Bùi Văn Thành, học sinh lớp 4D, Trường tiểu học Đại Bản tử vong tại trường do bị điện giật. Theo báo cáo, sau khi học xong tiết 2, Thành đi chân đất ra cuối hành lang tầng 2 chơi và chạm vào song sắt lan can bị điện giật chết. Sau khi khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện nơi học sinh tử vong có sợi cáp quang mạng internet quấn vào song sắt lan can kéo ra phía sau trường và quấn vào hệ thống dây điện của trường.

Trước đó, chiều 26/8, nhóm học sinh lớp 6 trường THCS - THPT Đống Đa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) làm vệ sinh lớp tại tầng 1 thì 16 m2 sàn nhà bị sập. 10 em đứng giữa lớp rơi xuống tầng trệt từ độ cao hơn 3 m cùng với bàn ghế. Các em được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, đa chấn thương. Thời điểm xảy ra sự cố, phòng tin học tầng dưới không có học sinh…

Không may xảy ra các vụ tai nạn là điều bất ngờ nhưng đầu tư cho y tế học đường thì lại là việc có thể chủ động được, tuy nhiên lĩnh vực này còn chưa được nhiều trường học quan tâm. Các chuyên gia y tế tại các bệnh viện khi tiếp nhận các vụ học sinh bị tai nạn tại trường học cho rằng nếu nhân lực y tế học đường được đầu tư hơn, công tác sơ cấp cứu kịp thời và chuyên nghiệp hơn sẽ góp phần cứu chữa hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được những thương tích lâu dài đối với các em.

Chồng chất khó khăn

Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT- TTg về tăng cường công tác y tế trong các trường học và Quyết định số 401/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh, tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản liên quan công tác y tế học đường. Điều đó giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ để xây dựng cơ sở, vật chất, trang, thiết bị, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động, nhất là từng bước hình thành đội ngũ làm công tác y tế học đương. Đến nay, mạng lưới y tế học đường đã được hình thành từ trung ương đến địa phương…

Theo báo cáo của các sở GD & ĐT, đối với bậc phổ thông và mầm non đã có 44,6% số trường có cán bộ chuyên trách làm công tác y tế học đường; 58,2% số trường có ban chăm sóc học sinh. Tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách về công tác y tế học đường là 57,3% và cán bộ kiêm nhiệm là hơn 37%...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai công tác y tế học đường tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn, bất cập về nguồn nhân lực, kinh phí. Hiện cả nước còn hơn bảy nghìn trường học chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và nhân viên khác đảm nhiệm. Do vậy, chất lượng YTTH tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều phòng y tế học đường được tận dụng cùng phòng bảo vệ hoặc thiếu thốn những trang thiết bị cấp cứu tối thiểu.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường ưu tiên ký hợp đồng với các cán bộ y tế về hưu, hoặc sinh viên mới tốt nghiệp các trường y. Tuy nhiên, những người mới tốt nghiệp từ các trường y đang làm việc tại các trường học chưa thật sự yên tâm với công việc, thường vừa làm tạm thời vừa tìm cơ hội để được tuyển dụng vào các cơ sở của ngành y tế, cho nên tình trạng thiếu cán bộ y tế học đường vừa có trình độ chuyên môn vừa có tâm huyết vẫn xảy ra.

Cô Nguyễn Thị Hảo, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội) chia sẻ, an toàn cho học sinh đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều khía cạnh. Theo cô Hảo, hầu hết phụ huynh hiện nay đều đưa con tới trường sớm và đón con khá muộn. Vì vậy trường luôn nhắc giáo viên nhắc nhở học sinh chơi ở khu vực sân trường không bị khuất tầm mắt và khu vực xung quanh phòng bảo vệ khi chờ phụ huynh tới đón. Ngoài ra, giáo viên phải trực tiếp khóa cửa lớp, đảm bảo không có người ở lại, tránh chuyện cô về nhưng học sinh vẫn chơi ở trong lớp, tránh mọi tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với học sinh.

Còn cô Nguyễn Thanh Trà – Hiệu trưởng trường mầm non Linh Đàm (Hà Nội) thì cho rằng hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập y tế học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO