Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Xuân Thuỷ 18/08/2019 08:00

Chất thải nhựa không chỉ là mối đe doạ lớn đối với môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người. Chất thải nhựa, đặc biệt là chất thải nhựa trong y tế đang chiếm khoảng 5% trong tổng số chất thải y tế. Nếu không có hành động cụ thể và kịp thời để khắc phục, rất có thể chất thải nhựa sẽ trở thành gánh nặng lớn trong tương lai.

Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Chất thải nhựa rất khó phân huỷ

Tại hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tại các điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và giá thành hợp lý, được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bao gồm cả ngành Y tế. Tuy nhiên, chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân huỷ của nó. “Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khoẻ con người. Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Uỷ ban Châu Âu (EC), cho đến năm 2018, ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích luỹ ngoài môi trường hoặc được chôn lấp” - Bộ trưởng cho hay.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế bắt nguồn từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như: bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hoá chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế, là các túi nilon rất khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và bệnh viện.

Báo cáo nhanh từ một số bệnh viện cho thấy, có khoảng 5% số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày). Đây là một con số đáng báo động khi chất thải nhựa có xu hướng ngày một tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi văn bản số 161/LĐCP kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và toàn dân chung sức giải quyết các vấn đề về chất thải nhựa. Tại lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa”, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Hành động ngay vì mục tiêu lâu dài

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, Cục chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành Y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh trong ngành hàng năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này nằm trong khoảng từ 10-45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế nằm trong khoảng từ 12-17%.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế có ưu điểm góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt đối với những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon vẫn khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn.

Để hành động ngăn chặn chất thải nhựa, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, ngày 29/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành, đồng thời, triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

Trước đó, trong năm 2018, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Bộ Y tế đã có Công văn gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phong trào, theo đó, Sở Y tế và các cơ sở y tế tại một số địa phương đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở.

Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện các biện pháp giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, đồng thời, đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh – phân loại đúng – thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý – xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc 3R (3R=Reduce – Reuse - Recycle) tức là Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế.

Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019, các cơ sở y tế của tỉnh đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” và túi nilon khó phân huỷ. Trong 4 tháng đầu đã triển khai cho các cơ sở y tế tiến hành thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500 kg chất thải nhựa có thể tái chế. Việc tái chế, sử dụng túi nilon đã giảm thiểu 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường.

Có thể thấy, chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sinh thái môi trường, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và sức khoẻ của con người. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng.

Thông qua hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, phát động các phong trào thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa, từ đó, tiến hành rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh tại đơn vị, đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế.

Cùng với đó, tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Bộ Y tế. Không chỉ vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay.

Hiện, thế giới đang phải đối mặt với khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm.

Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Chính vì vậy, mỗi người trong cộng đồng cần chung tay hành động để giảm thiểu chất thải và rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO