Khai thác tiềm năng, thế mạnh dược liệu

Vũ Minh 30/04/2017 08:50

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Thế mạnh lớn về dược liệu nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hiện chúng ta mới chỉ chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu, mỗi năm Việt Nam phải nhập tới hàng chục ngàn tấn dược liệu để làm thuốc, phục vụ chữa bệnh.

Ngành dược liệu Việt Nam lâu nay chưa được đầu tư đúng mức.

Tiềm năng chưa được phát huy

Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam.

Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…).

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù có tiềm năng, thế mạnh về dược liệu nhưng hiện nay chúng ta mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thậm chí, nhiều cây thuốc đã được đưa vào sách đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thật nghịch lý khi chúng ta đang sở hữu một “kho vàng” có giá trị rất cao về y học và kinh tế nhưng hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn dược liệu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.

TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, thẳng thắn cho biết, mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu cho sản xuất thuốc và chữa bệnh nhưng trong đó 80% số dược liệu là nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên chất lượng không đảm bảo.

Thống kê cho thấy, trong năm 2015, trong số gần 50.000 tấn dược liệu được nhập khẩu thì chỉ có 14.000 tấn bảo đảm chất lượng vì được nhập theo đường chính ngạch.

Cục Quản lý dược cho biết, do dược liệu nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch và được nhập như nông sản nên khó có thể đủ tiêu chuẩn để làm thuốc chữa bệnh. Thực tế cho thấy, qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều loại dược liệu, thuốc đông y giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn bị tẩm ướp các hóa chất bảo quản độc hại, hoặc thêm các tạp chất khác để tăng trọng lượng.

Thị trường rộng lớn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ở Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Đây có thể nói là cơ hội lớn cho ngành dược liệu Việt Nam.

Ngoài ra, tính đến tháng 12/2016, cả nước có khoảng 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (trong đó có 131 cơ sở sản xuất qui mô công nghiệp) sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau với khoảng 80 loại dược liệu được dùng phổ biến.

Cả nước hiện có 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 20.000 tấn mỗi năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu đạt gần 5.000 tấn mang lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, trên thế giới các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với tổng hợp hóa học.

Một thế mạnh nữa của Việt Nam chính là diện tích đất đai rộng lớn và trù phú với lượng nhân công dồi dào, rất phù hợp cho công tác nuôi trồng, thu hái dược liệu. Đặc biệt, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa).

Cụ thể như: trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm, cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm; trong khi đó cây lúa chỉ cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng /ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng.

Phát huy tiềm năng

Ngày 12/4, tại Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn.

Theo Thủ tướng, để chủ động trong lĩnh vực phát triển y dược cổ truyền và đảm bảo y dược cổ truyền giữ được thế mạnh của y học Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta phải chủ động được nguồn dược liệu.

Đồng ý biện pháp phát triển dược liệu gắn với chuỗi giá trị, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất mới, rất lớn đối với Việt Nam, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển đối với bất cứ mặt hàng nào; gắn dược liệu với y học cổ truyền cũng như gắn y học hiện đại với y học cổ truyền.

Thủ tướng nhìn nhận, không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ thì đầu ra của dược liệu sẽ bế tắc. Không đầu tư khoa học công nghệ, không sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt thì không thành công. Thủ tướng yêu cầu phải có một số chính sách đặc thù để phát triển ngành dược, cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam.

Về nuôi trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Hội Dược liệu Việt Nam chọn 100 cây dược liệu quý trong số 5.000 loại dược liệu mà Việt Nam có để trồng, chế biến.

Đi liền với đó, thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng. Thủ tướng cũng gợi ý nếu đất lúa năng suất thấp mà trồng dược liệu năng suất cao hơn thì cần xem xét việc trồng dược liệu.

Về sử dụng dược liệu, Thủ tướng đặt vấn đề mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến...

Với những chính sách cởi mở ấy, tin tưởng, ngành dược liệu Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác tiềm năng, thế mạnh dược liệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO