Nỗ lực bảo vệ sức khoẻ trước tác hại của rượu, bia

Đức trân 26/05/2019 08:00

Sử dụng rượu, bia quá mức không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người mà còn để lại nhiều hệ luỵ khó lường. Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra chỉ vì lạm dụng rượu, bia.

Nỗ lực bảo vệ sức khoẻ trước tác hại của rượu, bia

Tốc độ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á

Hiện nay, thống kê cho thấy Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng tiêu thụ rượu bia tăng mạnh. Hiện, tốc độ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 trên thế giới và đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Theo đó, tốc độ tiêu thụ rượu bia của nước ta vẫn đang trên đà tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chứng minh cho tốc độ tiêu thụ rượu, bia đang ngày một tăng nhanh, bà Trần Xuân Hằng - thành viên Ban Soạn thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho hay: Tốc độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang nằm trong nhóm tăng nhanh nhất thế giới, chỉ trong vòng 7 năm (2010-2017) đã tăng tới 90%. Rượu, bia được biết đến là loại đồ uống gây ra hơn 200 loại bệnh và nhiều hệ luỵ xã hội.

Được biết, ngành công nghiệp rượu, bia đề ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp rượu bia dự đoán sẽ sản xuất khoảng 4,6 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu, tuy nhiên, đến năm 2018 sản lượng bia rượu được sản xuất đã vượt qua mức dự đoán với 4,67 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu. Có thể thấy, sản lượng rượu bia được sản xuất đã nói lên sức tiêu thụ rượu bia khổng lồ của Việt Nam. Không ít người đã tiêu tốn rất nhiều chỉ để thưởng thức rượu, bia. Chi phí tiêu thụ rượu bia ở nước ta hiện đã lên tới 4 tỉ USD, chưa kể 350 triệu lít rượu tự nấu. Bình quân mỗi người sẽ chi khoảng 9,6 triệu đồng cho bia rượu trong khi chi phí tiêu tốn cho y tế chỉ hơn 2,6 triệu đồng.

Bên cạnh những tổn hại kinh tế to lớn mà rượu bia đem đến, theo thống kê và báo cáo của Bộ Y tế, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (chiếm 60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (chiếm 30%). Mỗi năm người Việt uống trên 4 tỷ lít bia và gần 200 triệu lít rượu. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra 200 loại bệnh khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của con người, tạo ra gánh nặng lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Cần mạnh tay ngăn chặn tác hại của rượu, bia

Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho hay, rượu bia là nguyên nhân của 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm người trẻ dưới 30 tuổi, đồng thời, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Ước tính, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại nước ta chiếm tới 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Trung bình, mỗi năm có 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó có tới 4.800 người tử vong vì uống rượu, bia gây tai nạn giao thông.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho hay, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước trong tháng 4 và tháng 5/2019 đều có nguyên nhân liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 82% nạn nhân của tai nạn giao thông nhập viện là do có nồng độ cồn hơn 50mg trong 100ml máu. Đa số bệnh nhân nhập viện đều có liên quan đến tai nạn nghiêm trọng và có tới 68% thời gian sống chỉ vỏn vẹn dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.

Để khắc phục, hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: Luật phòng chống tác hại của rượu, bia là vô cùng cần thiết để đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri về những vấn đề trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trước tiên là vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và sau đó là vấn đề lâu dài để bảo vệ sức khoẻ. Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 155 nước trên thế giới xây dựng luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Có những nước đã đưa điều chỉnh lần 2 để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: hiện ban soạn thảo đang tiếp thu trên bình diện bảo vệ sức khoẻ, vấn nạn tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, các ảnh hưởng của xã hội, đồng thời, có cái nhìn chung để đảm bảo sự phát triển của ngành rượu bia công nghiệp cũng như thủ công và thu nhập của những người sản xuất rượu bia để có một lộ trình thích ứng từ từ, có những giải pháp xử lý hành chính hoặc các luật hiện hành một cách nghiêm khắc, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các luật.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết: dự thảo luật phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều dựa trên những biện pháp kiểm soát được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo rượu, bia; chính sách thuế và giá. Dự kiến, dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được thảo luận và biểu quyết thông qua vào ngày 14/6 tới.

Xoay quanh dự thảo luật phòng, chống tác hại rượu bia, bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) - cho rằng, cộng đồng mạng thời gian qua đã kêu gọi người dân phòng, chống tác hại của rượu bia thông qua khẩu hiệu: “Đã uống rượu bia thì không lái xe” hay “lái xe khi uống rượu bia là tội ác”… Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Để kiểm soát, hạn chế việc lạm dụng rượu bia, cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Luật phòng, chống tác hại rượu bia. Nếu không, khi ra đời, luật sẽ chỉ mang tính hình thức chứ không thể áp dụng vào thực tế cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực bảo vệ sức khoẻ trước tác hại của rượu, bia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO