Tái khởi động hậu Covid-19

Hồ Hương 27/04/2020 08:00

Nhiều ngành nghề đã bắt đầu hoạt động trở lại sau chuỗi ngày dài ảnh hưởng của dịch bệnh.

Số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố: Tính đến thời điểm này, ngành ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách hàng với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.

Để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua dịch bệnh, Chính phủ ban hành 2 gói hỗ trợ tiền tệ và tài khoá. Hiện, gói chính sách tiền tệ và tín dụng: Cho phép cơ cấu nợ và giảm lãi từ 1% đến 2,5%; giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới. Hiện quy mô gói tín dụng hỗ trợ đã lên đến 600.000 tỷ đồng và thậm chí có thể hơn.

Cũng ngay trong thời điểm này, các DN đã bắt đầu khởi động nhưng trên thực tế năng lực hấp thụ vốn chưa cao. Mặt khác, ngân hàng có tiền cho DN vay nhưng không phải muốn cho vay là được, và bản thân như DN muốn sờ được tới vốn của ngân hàng cũng không hề dễ. Chuyên gia ngân hàng- TS Cấn Văn Lực, cho rằng DN cần dòng tiền và thanh khoản. Bởi hiện nay, DN đang “đối mặt” với công nợ và tư nợ, nhưng không có tiền.

Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,3%, 4 ngân hàng thương mại nhà nước muốn tăng trưởng tín dụng mà không tăng được. Ngoại trừ nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nông, lâm, thủy sản… vẫn hoạt động khá bình thường và ngân hàng đang nỗ lực cho vay, thì nhu cầu tín dụng các ngành khác đều sụt giảm mạnh.

Hiện nay DN muốn vay vốn ưu đãi của ngân hàng phải chứng minh được vay để làm gì, dự án có thật không, có hiệu quả không, có nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra hay không.

Vẫn theo ông Cấn Văn Lực, để DN và người dân hấp thụ được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần sự vào cuộc từ 4 phía: Chính phủ, cơ quan quản lý thực hiện, DN và người dân. Cụ thể, Chính phủ ban hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng bộ ngành phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết như gói tín dụng cần cụ thể tiêu chí được vay, giãn nợ, quy mô DN lớn nhỏ như thế nào để xét duyệt vay…; Tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ các thành phần kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng hiện nay các ngân hàng không chỉ hỗ trợ DN ở các khoản vay mới, mà còn rà soát, giảm lãi suất từ 0,5% đến 2% đối với các khoản dư nợ hiện hữu. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế miễn giảm lãi, cơ cấu nợ và cho vay mới không thể tiến hành nhanh được. Bởi ngân hàng cũng phải xem xét DN có khả năng trả được nợ hay không. Nếu DN không có tài sản đảm bảo, không có kế hoạch kinh doanh tốt và minh bạch dòng tiền thì không thể vay vốn, vì ngân hàng cũng phải huy động vốn của người dân.

Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, vừa qua một số DN có ý kiến phản ánh, nhưng qua rà soát thì ý kiến kêu ca đến từ những DN không có phương án kinh doanh đảm bảo, vốn tự có không có... “Các ngân hàng chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng vì sẽ để lại nhiều rủi ro về sau”- theo ông Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái khởi động hậu Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO