Tài hoa U80 và U100

QUANG HƯNG 20/03/2023 07:16

Đó là nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc sinh năm 1945 và họa sĩ Nguyễn Anh Thường sinh năm 1930, vừa góp 23 tác phẩm vào triển lãm “Hào khí Thăng Long”, đón nhận sự nể phục của đồng nghiệp. Với bản thân mình, hai họa sĩ lão thành tự nhận về sự bằng lòng trên những sáng tạo kiên trì suốt nhiều năm lặng lẽ và khiêm nhường.

“Chùa Thầy” của họa sĩ Nguyễn Anh Thường (sơn khắc, 2008).

Đất vọng vào hồn người, nét nghề

Mang tên “Hào khí Thăng Long” lấy tên một tác phẩm khổ lớn vẽ chung, nhưng bên cạnh cảm hứng mạnh mẽ và bền bỉ với Hà Nội, hai họa sĩ không thể không dành mến thương cho những vùng đất của ký ức vẫn luôn vẫy gọi.

“Ngưỡng mộ các họa sĩ tài ba thế hệ trước, lại đặt ra thách thức rất lớn với chính bản thân mình, họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã sáng tác và tạo nên các tác phẩm sơn mài khổ lớn mang dấu ấn của riêng mình… Ông đã gọi các tác phẩm này là “những kiệt tác nghệ thuật của riêng tôi”.

PGS.TS Đinh Hồng Hải, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Ký hiệu học châu Á

Đó là miền quê sơ tán mà họa sĩ Vũ Hồng Ngọc hồi nhỏ đã theo gia đình về tránh bom để thu vào mình cả bầu không khí vắng xa, bảng lảng, buồn thương dìu dịu của mặt nước ao bèo, những vạt cây lúp xúp, những lũy tre xanh đan dày chuyển dần từng mảng màu khi mờ nhạt sương sớm, lúc bàng bạc đón ánh sáng, khi thẫm lại trong chiều…

Những ấn tượng về cảnh sắc thôn quê ghim giữ trong ánh mắt thơ trẻ sớm bộc lộ tố chất của người có khiếu tạo hình, rèn giũa qua môi trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sau này được thể hiện chân thực và thiết tha qua những bức sơn dầu hoài niệm.

Họa sĩ có bộc bạch với những người hỗ trợ mình thực hiện triển lãm, “đầu óc mình lãng mạn ngay từ nhỏ, khi vẽ những bụi tre xanh, những hồi ức từ nhỏ cho đến lớn cứ lần lượt ùa về”. Hồi gia đình sơ tán tại Thái Nguyên, bố đi bộ đội, có những khi mẹ đi chợ xa, cô gái nhỏ Hà Nội thường lên quả đồi cạnh nhà, ngắm phong cảnh và ngóng mẹ về rồi mới đi ngủ. Hồng Ngọc chú ý nhất những hàng tre và sau này tre trở thành chủ đề nổi bật nhất trong sáng tác của bà.

Nhấn mạnh điểm nổi bật của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến phân tích: Tác giả đặt bố cục khác lạ so với những kiểu vẽ phong cảnh, lược bỏ chi tiết kể lể rậm rạp mà là một mảng màu đồng sắc, hình họa lơ đãng như bị bỏ quên nhưng lại ẩn náu đâu đó trong nhịp điệu với những khoảng trống ẩn dụ hòa quyện trong không gian bao la. Một màu xanh nhiều sắc độ chuyển biến dưới ánh sáng mặt trời là nguyên lý của khuynh hướng ấn tượng Vũ Hồng Ngọc đã chuyên chở.

Còn với họa sĩ Nguyễn Anh Thường, người từng có thời gian vào du kích Bắc Sơn, đi bộ đội chiến đấu ở Thượng Lào, và là một sinh viên giỏi của khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm xưa, thì sự thực tế đời sống khốc liệt dường như đã ngấm thành nét cứng cáp, mạnh mẽ và khoáng đạt trong tác phẩm của ông.

Để từ năm 1959, khi có dịp xuống công tác với vai trò chủ chốt gây dựng phong trào mỹ thuật ở vùng mỏ Quảng Ninh, thì cảnh quan hùng vĩ của vịnh biển và những núi những đảo, vẻ tráng lệ, huyền ảo của trời nước vào những thời điểm trong ngày đã trở nên ấn tượng đặc biệt về vùng đất lớn lao đầy mời gọi. Những bức tranh khổ lớn của ông trong triển lãm được ông vẽ lâu, vẽ kỹ, hướng đến tinh thần khái quát và tính biểu tượng đã toát lên tình yêu lớn đó. Như “Hạ Long nghìn đảo” (sơn mài, 154x300cm), ông vẽ năm 2020 ở tuổi 90, “Đêm Tuần Châu”, cùng chất liệu và kích thước, vẽ năm 2017, và bức sơn mài “Lán bè Hạ Long” vẽ năm 2014, 154x300cm mà họa sĩ tâm đắc nhất…

Dường như những bức tranh bề thế đó như chính bản thân họa sĩ luôn mong muốn vẽ tác phẩm kích cỡ lớn, hợp với khí chất con người ông, theo đuổi những gì lộng lẫy, rực rỡ và lấn át. Nguyễn Anh Thường muốn vẽ những gì mà như lời nhà sưu tập Phan Minh Hà, người đã đồng hành với hai họa sĩ hàng chục năm qua, nhắc lại, thì: Anh đứng cạnh bức tranh, anh sẽ trở thành họa tiết của bức tranh đó. “Tôi cảm thấy tranh của bác ấy làm cho không gian sáng đẹp hơn”, nhà sưu tập chia sẻ niềm khâm phục của mình.

“Chùa Yên Tử” của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (sơn khắc, 2015).

Vẽ sao cho ra tinh thần, cho mắt nhìn sáng đẹp

Sự thể hiện cái thực mà có gì đó “phi thực” như cảm nhận chung của một số ý kiến nhà chuyên môn trong tranh của hai họa sĩ, được lý giải một phần từ công việc mà họ từng tham gia trong những năm cống hiến cho ngành văn hóa. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường suốt mấy chục năm cho đến khi về hưu năm 1990 đã công tác ở Xưởng phim đèn chiếu - Cục Điện ảnh; còn họa sĩ Vũ Hồng Ngọc có thời kỳ làm họa sĩ tại Công ty Diafilm của Bộ Văn hóa.

“Hội họa của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc hướng tới sự giản dị, chân phương với bút pháp gần gũi hội họa ấn tượng. Loạt tranh sơn dầu của Hồng Ngọc trong triển lãm như những khoảng lặng cần thiết, êm đềm”.

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung

Quá trình công tác đưa đến cho hai họa sĩ sự quen biết và có những đồng cảm trong quan điểm sáng tác, những tương đồng trong ý tưởng, kỹ thuật sáng tác, và còn có điểm chung ở khát khao vẽ những bức tranh khổ lớn. Và chính kỹ thuật sử dụng ánh sáng trong lĩnh vực phim ảnh đã có sự ảnh hưởng đến việc dùng màu của hai họa sĩ.

Cùng với bức sơn mài “Hào khí Thăng Long” khổ 154x300cm vẽ chung năm 2010, triển lãm cùng tên còn có bức sơn mài “Ô Quan Chưởng” khổ vuông (88x88cm), hai họa sĩ đồng thực hiện năm 2016. Mà theo như một chia sẻ từ người trong cuộc, thì họa sĩ Nguyễn Anh Thường từng ngắm di tích Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu đã mang màu sơn phủ tươi mới thật không “được mắt” cho lắm, nên ông muốn vẽ về cửa ô huyền thoại này nhưng là vẽ sao cho ra cái tinh thần của di tích với đầy dấu ấn về thời gian, thời cuộc, như một chứng tích của lịch sử. Và thế là bức tranh được thể hiện “với một mảng màu đỏ rực lửa. Tác giả cúp lại khuôn hình của cửa ô với cổng lớn ở điểm vàng của bố cục tranh để từ đó nhìn qua thấy bầu trời vàng sâu thẳm phía xa… Hai màu vàng và đỏ mang nhiều tính biểu tượng và ý nghĩa đối với lịch sử Thủ đô Hà Nội hào hùng”.

Nhìn vào nhiều bức tranh khác của cả hai họa sĩ, như “Hà Nội trong sắc đỏ”, “Chùa Thầy”, “Văn Miếu Quốc Tử Giám”… (Nguyễn Anh Thường); “Chùa Yên Tử”, “Chùa Quán Sứ”, “Chùa Trấn Quốc”, “Hà Nội đêm giao thừa”… (Vũ Hồng Ngọc) có thể cảm nhận được ý tưởng về sự lột tả tinh thần khi tác giả không quá chú trọng việc sử dụng màu mang tính nệ thực.

Nhưng mong muốn đó cần phải được chuyên trở bằng kỹ thuật tinh tế và công sức rèn giũa suốt nhiều chục năm trời, cùng với tâm hồn nghệ sĩ khiêm nhường, luôn mong thể hiện những điều sáng, đẹp, mạnh mẽ trong tác phẩm của mình chứ quyết không thể là cái gì hậm hực, cáu kỉnh, u tối. Và ở tuổi xưa nay hiếm, các họa sĩ vẫn được cho là giữ được phong cách, tay nghề cùng cái nhìn hồn hậu, đằm thắm cùng cảnh, cùng người, cùng quê hương, đất nước.

Triển lãm “Hào khí Thăng Long” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ ngày 3 đến 12/3), như những lời “phát biểu im lặng” của hai họa sĩ lão thành tài hoa. Bằng màu sắc và các mảng khối, họa sĩ nói với các đồng nghiệp và người xem về tình yêu cuộc đời. Tất nhiên, tình yêu chung đó thì ai cũng có quyền được thể hiện.

Quan trọng là nói ra như thế nào. Yêu bằng những ấn tượng được trình bày ra, vừa quen vừa lạ, vừa khiến ta thấy choáng ngợp, thấy mật thiết, và muốn nhìn thật lâu để mình được thâm nhập vào không gian nửa thực nửa hư trong những bức tranh. Đó thật là niềm hạnh phúc đầy dẫn gọi, đầy sẻ chia của nghệ sĩ và công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài hoa U80 và U100

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO