Tản mạn về việc đặt tên danh nhân cho đường phố

Mạnh Thắng 28/10/2020 15:41

Người được gọi là danh nhân thì ắt hẳn nổi tiếng. Danh nhân đương thời thì dễ nhớ. Danh nhân trong lịch sử xa xăm thì khó nhớ nếu không học lịch sử.

Tên vua Lê Thánh Tông bị đặt sai do kiêng húy.

Tôn vinh danh nhân bằng cách lấy tên họ đặt cho tên phố, tên đường là việc làm cổ kim, đông tây áp dụng. Viết đúng tên danh nhân thì thật tuyệt. Vô ý viết sai tên danh nhân thì lắm chuyện dở khóc dở cười…

Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có nhiều đường và phố trong nội thành nhất. Cả hai thành phố đều có những câu chuyện dở khóc dở cười về tên phố, tên đường.

Với Hà Nội, câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra đặc biệt vào năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây sát nhập vào Hà Nội. Thời điểm đó, Hà Nội có khoảng 700 phố được đặt tên, còn Hà Đông và Sơn Tây có khoảng 300 tên phố. Sau khi sát nhập, có tới gần 70% tên phố mang tên danh nhân ở quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây trùng với Hà Nội cũ. Nhiều người dở khóc dở cười khi hẹn nhau sai nơi mình muốn. Có người gửi sai thư, hàng hóa sang quận Hà Đông và ngược lại. Sự việc oái ăm này diễn ra mấy hàng năm trời mới đỡ, vì người ta bắt đầu có thói quen ghi rõ tên phường, quận giống như ở TP Hồ Chí Minh khi hẹn hoặc gửi hàng.

Với TP Hồ Chí Minh, một phố quá dài vắt từ quận này sang quận kia, hay hai quận có phố trùng tên từ lâu đã không còn gây trở ngại với người dân khi họ định vị ngay từ đầu. Chuyện dở khóc dở cười về tên đường phố diễn ra đã hàng chục năm. Gần đây càng thêm nhức nhối. Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã hoàn thiện Đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng đến năm 2020” do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đặt hàng từ năm 2013. Đề án đã phát hiện 38 tuyến đường, phố bị đặt tên sai.

Nguyên nhân tên các danh nhân lịch sử bị đặt sai trên các đường, phố được quy thành mấy lý do: Thứ nhất, trong quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh sai họ tên danh nhân. Thứ hai, do người thực hiện làm biển sai quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh. Thứ ba, do tên các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy. Trong các tên danh nhân bị viết sai trong quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh có thể kể: Dương Tụ Quán (tên đúng) - Dương Tự Quán (tên hiện hữu); Phạm Khiêm Ích - Phan Khiêm Ích; Nguyễn Đình Quản (tên đúng) - Lê Đình Quản; Raymonde Dien (tên đúng) – Raymondiene; Phan Thị Hối (tên đúng) - Phạm Thị Hối; Hoàng Xuân Hành (tên đúng) - Hoàng Xuân Hoành...

Bên cạnh lỗi của người đương thời thì lỗi đặt sai tên danh nhân còn của thế hệ đi trước. Sau ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã có những tên phố mang sai tên danh nhân như: Lương Nhữ Học (tên đúng là Lương Nhữ Hộc); Trương Quốc Dung (Trương Quốc Dụng), Nguyễn Văn Tráng (Phạm Văn Tráng)…

Sai tên danh nhân khi dùng đặt tên cho đường phố ở TP Hồ Chí Minh.

Với trường hợp viết sai tên danh nhân do kiêng húy hoặc do phương ngữ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không nên đổi tên đường phố này nữa. Vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung, vốn là vùng đất gắn liền với công lao triều Nguyễn. Nên các từ: Phúc - Phước, Cảnh - Kiểng, Tông - Tôn, Thì - Thời, Nhậm - Nhiệm, Vũ - Võ, Châu - Chu, Chính - Chánh… trong các tên như Hà Tông Quyền (hiện tại là Hà Tôn Quyền), Lê Thánh Tông (Lê Thánh Tôn), Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Tông Đản (Tôn Đản)…

Việc lấy tên danh nhân để đặt cho đường, phố mang ý nghĩa cao đẹp. Theo Nghị định 91/2005/NĐ- CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng thì việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng không chỉ nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Với những thành phố trực thuộc trung ương như TP Hồ Chí Minh, việc lấy tên danh nhân (kể cả danh nhân nước ngoài) đặt cho đường, phố theo quy định của Nghị định 91/2005/NĐ- CP phải đáp ứng yêu cầu: Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Như vậy, theo quy định pháp luật và đạo lý uống nước nhớ nguồn, với những tên danh nhân bị viết sai ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng nên mạnh dạn sửa đổi. Đó là việc cần thiết phải làm. Đành rằng, việc đổi tên có thể gây nhiều phiền toái đến hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, khai sinh…

Cũng từ thực tế xảy ra, cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm liên quan sau khi phê duyệt thông qua quyết định đặt tên đường, phố mới nên công bố công khai trên các phương tiện báo chí. Mặt khác, khi làm lễ gắn biển đường, phố mang tên danh nhân cũng nên mời hậu duệ của danh nhân tới dự. Như thế vừa thể hiện được đạo lý, vừa tránh được lỗi sai đáng tiếc có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tản mạn về việc đặt tên danh nhân cho đường phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO