Tăng tốc phát triển nơi ‘cánh cung Đông Bắc’

Nam Khánh 06/05/2021 06:30

Những năm qua, cùng với đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo của tỉnh.

5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.

Đặc biệt, với quyết tâm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Quảng Ninh đã bố trí nguồn kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới... Kết quả đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chỉ tính riêng 5 năm qua, tổng chi cho an sinh xã hội của Quảng Ninh ước đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,9%. Trong năm 2020, Quảng Ninh cũng đã thực hiện đưa điện ra đảo Trần, xã đảo cuối cùng của Quảng Ninh có điện lưới quốc gia.

Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, thành quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian qua là rất lớn.

Tuy vậy, nền kinh tế Quảng Ninh cũng bộc lộ không ít trở ngại như phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển nông nghiệp chưa có bước phát triển đột phá, bền vững; chưa có nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, còn có khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh...

Do vậy, trong thời gian tới Quảng Ninh cần phải vượt qua những thánh thức nội tại của nền kinh tế và phải không ngừng tự cải thiện, tự đổi mới, sáng tạo một cách mạnh mẽ trên tinh thần dám nghĩ, dám làm; tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, với chính quyền vào sự nghiệp phát triển Quảng Ninh thời kỳ mới.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng một định hướng không gian phát triển là “một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá”, nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, nêu bật thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Tâm là thành phố Hạ Long - thành phố du lịch biển, trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đặc biệt sau khi được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn.

Tuyến hành lang phía Tây được xác định từ thành phố Hạ Long đến thị xã Đông Triều, hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Tuyến hành lang này sẽ phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh.

Tuyến hành lang phía Đông, xuất phát từ thành phố Hạ Long đến thành phố Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, sẽ phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

Với những tiền đề vững chắc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh thì những mục tiêu mà tỉnh đề ra trong giai đoạn tới trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của miền Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc phát triển nơi ‘cánh cung Đông Bắc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO