Tạo đà cho doanh nghiệp

P. Quỳnh - H. Hương 06/07/2016 08:05

Lần đầu tiên trong nghị quyết 35/ NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, xem tư nhân là động lực của phát triển kinh tế. Với những giải pháp được đưa ra như hỗ trợ thuế, thanh kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm...Nhưng liệu tất cả đã đủ?

Tạo đà cho doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh là điều doanh nghiệp luôn mong mỏi.

Doanh nghiệp là trung tâm phát triển

Nghị quyết đặt ra đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Như vậy có thể thấy, Chính phủ đang hướng tới sự phát triển DN thiên nhiều về chất lượng hơn số lượng. Bởi vì với khoảng nửa triệu DN đang hoạt động hiện nay, nhiều chuyên gia đang kỳ vọng Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 – 2 triệu DN vào năm 2020.

Mục tiêu tiếp theo cũng rất quan trọng đó là khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 – 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra việc quyết tâm thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ. Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

Cải cách hành chính và đồng bộ hóa Chính phủ điện tử để tạo thuận lợi cho DN cũng là nội dung được đặc biệt chú trọng. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020.

Khơi thông dòng vốn tín dụng

Cộng đồng DN kỳ vọng rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ tới đây sẽ dễ thở hơn với DN. Trung tâm nghiên cứu ngân hàng BIDV cũng cho rằng để hỗ trợ DN cần khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN và nền kinh tế.

Trung tâm nghiên cứu này đề xuất NHNN cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các TCTD trong việc giảm lãi suất: Điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về mức 1%; điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%, nhờ đó, ước tính có thể tăng tín dụng cho nền kinh tế thêm khoảng 100.000 tỷ đồng; Đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất bao gồm cả cho vay cầm cố trái phiếu VAMC nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn; Sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định và cơ chế vận hành thị trường mua bán nợ, cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể tham gia mua bán nợ; (iv) Sớm ban hành các quy định mới, phù hợp với sự vận động của thị trường như: Thông tư thay thế QĐ1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng; Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng; Thông tư về TTCK phái sinh, sản phẩm phái sinh…

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, dư địa của các chính sách này không còn nhiều. Theo ông Thành, lãi suất cho vay khó hạ là do, dù lạm phát năm nay có thể giữ được mục tiêu dưới 5%, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức lạm phát năm 2015. Những áp lực từ bên ngoài đến với tỷ giá và lãi suất vẫn còn, đó là nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Việc giảm lãi suất phải dựa trên cân đối tiền huy động của ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư tài chính khác như: chứng khoán, bất dộng sản có sự phục hồi nhất định.

Ngoài ra, về chính sách tài khóa, Việt Nam vẫn đang phải phát hành rất nhiều trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đầu tư, trả nợ. Đặc biệt, mức phát hành trái phiếu chính phủ năm nay nhiều hơn năm 2015 đáng kể. Chính việc phát hành trái phiếu chính phủ quá nhiều đã đẩy lãi suất trung và dài hạn tăng lên, đồng thời khiến một phần nguồn tiền dành cho tín dụng bị co hẹp.

Tóm lại, nếu nhìn một cách tổng thể, chính sách tiền tệ hiện nay vừa phải gánh trách nhiệm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô. Cho nên, hạ lãi suất năm nay là rất khó khăn. Song cũng theo ông Thành,việc lớn nhất chúng ta có thể làm để hỗ trợ DN hiện nay là làm sao tạo được lòng tin vào sản xuất - kinh doanh, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế. Nguồn lực trong dân còn rất lớn, chỉ khi người dân tin, họ mới tiêu dùng, đầu tư.

Điều này có nghĩa, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính, gắn với thực hiện Nghị quyết 35, gắn với quá trình sửa đổi luật pháp Việt Nam, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nỗ lực thực hiện các cam kết hội nhập. Các cam kết này chính là cải cách, tạo dựng môi trường kinh doanh, cũng chính là cơ hội kinh doanh cho DN, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Làm được điều này, chúng ta sẽ khơi dậy được nguồn lực của cả bên trong và bên ngoài, của cả người dân và DN. Đây chính là con đường để chúng ta phục hồi bền vững nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo đà cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO