Tạo sức bật cho doanh nghiệp

Minh Phương 11/01/2017 09:15

70% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hàng trăm ngàn lao động Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp FDI và dòng ngoại tệ, lợi ích thu được đang chảy ra nước ngoài là điều các doanh nghiệp nội phải trăn trở. Đó là chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp khi nói về khát vọng vươn ra thế giới trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Tạo sức bật cho doanh nghiệp

Nếu cứ mãi chấp nhận “phận làm thuê”, nền kinh tế khó bứt phá.

Mãi phận làm thuê

Sân chơi hội nhập đòi hỏi các DN Việt Nam phải có sự kết nối toàn cầu, không chỉ quẩn quanh ở sân nhà. Gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp liệu có thành công hay không và từ thành công đó, DN có thể lớn mạnh hay không, phụ thuốc rất nhiều vào tinh thần, khát vọng của các doanh nhân.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nhân, họ rất buồn khi phải chứng kiến hiện nay, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa, các DN FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo. Cộng đồng DN Việt Nam với hơn 600 ngàn DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vẫn chỉ hoạt động quẩn quanh tại sân nhà.

“Chúng ta chỉ có thể vươn ra thế giới khi chúng ta có khát vọng lớn và dám nghĩ, dám làm, tạo được thương hiệu Việt ở thị trường thế giới” - ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP nhận định và cho rằng: “Bất kỳ bạn đang ở đâu thì tư duy của bạn cũng phải là tư duy của người tiêu dùng toàn cầu. Phải tư duy theo ngôn ngữ, cảm nhận của người tiêu dùng thế giới. Đó là tiêu chuẩn hàng đầu của hội nhập”.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Liên Phương, người dân Việt Nam, doanh nhân, dân tộc Việt Nam có khát vọng rất lớn, một dân tộc như vậy không thể đi làm thuê cho người nước ngoài mãi được.

Nói về khả năng cạnh tranh và hội nhập hiện nay của các DN Việt, vị doanh nhân này cho hay, các doanh nhân Việt Nam cần phải phân tích rõ, tại sao người Việt Nam nhiều phẩm chất tốt thế mà vẫn không thể vươn lên, vẫn phải làm thuê cho người nước ngoài?

Nền kinh tế với trên 70% xuất khẩu là FDI, chủ yếu gia công lắp ráp là nỗi đau. Những doanh nhân có tâm với đất nước phải đau với nỗi đau ấy. Theo ông Phương, chúng ta đang thiếu khát vọng.

Và Nhà nước phải cổ xúy, yểm trợ, có chính sách đặc biệt cho những doanh nhân dám mang thương hiệu Việt ra nước ngoài. Còn hiện nay, chính sách vẫn đang “cào bằng”.

Phải kiến tạo theo đúng nghĩa

Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng lớn và phải “liều”, dám bứt phá mới có thể thành công được.

Nói về những suy nghĩ của mình về khát vọng vươn lên, ông Hùng chia sẻ khi nước đến chân thì người Việt Nam mới nhảy, không ai có thể nhảy một cách bứt phá như vậy. Đó là đặc điểm dân tộc, người Việt càng bị đẩy vào thế khó bao nhiêu thì sức bật càng lớn.

Nói về sự thành công của Viettel ngày hôm nay, ông Hùng cho biết, năm 2006, Viettel chỉ bằng 30% bây giờ, còn rất bé, doanh thu và lợi nhuận bằng 1/30, 1/40 bây giờ.

Và chính việc đi ra nước ngoài để “học hỏi”, để va chạm để có thể cạnh tranh được với các “ông lớn” nước ngoài đã khiến Viettel có thể lớn mạnh được như ngày hôm nay.

“Kể cả những doanh nghiệp lớn cũng cần phải đi ra để tìm đến đối thủ cạnh tranh mạnh. Một tổ chức muốn bền vững thì phải có đối thủ tốt. Nếu không có đối thủ tốt thì chắc chắn tổ chức không tồn tại” – ông Hùng nêu quan điểm.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, hiện nay, nếu nền kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, thì sẽ khó có thể bứt phá được. Do đó, tư duy này cần phải thay đổi. Và muốn thay đổi được điều đó, phải bắt đầu từ thể chế.

Cụ thể, theo TS Trần Đình Thiên, có hai điểm cần phải lưu ý. Một là doanh nghiệp hội nhập, khởi nghiệp thì nhà nước thế nào?

Nhà nước phải kiến tạo theo đúng nghĩa, phải tạo sân chơi công bằng để kích thích sáng tạo. Có như vậy mới thay đổi được.

Thứ hai, Nhà nước cần phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt ra ngoài, vì thế giới, các nước phát triển có rất nhiều điều có thể học hỏi.

“Ông Park Chung Hy muốn kích thích sự phát triển của nước Hàn Quốc, đã dùng một cách thực sự đơn giản, không ưu tiên, ưu đãi gì, mà chỉ đưa ra cam kết rằng, Daewoo xuất khẩu bao nhiêu, nếu được thì nhà nước thưởng bao nhiêu tiền, nếu không được thì chịu sự trừng phạt rất lớn. Các tập đoàn lập tức hướng ngoại, cạnh tranh quốc tế.Với Việt Nam, cách thiết kế chính sách kích thích sáng tạo vươn ra thế giới cũng phải dựa trên nguyên tắc đại thể như thế” – TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo TS Thiên, nếu cứ mãi chấp nhận làm thuê, gia công, “ngồi máy khâu cành cạch” thì các DN Việt Nam sẽ không thể vươn xa được, nền kinh tế khó có thể bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức bật cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO