Tết Thăng Long thành

An Vũ 30/01/2017 13:54

Tết Nguyên đán nơi Thăng Long kinh kì xưa thường kéo dài khoảng 14 ngày, bắt đầu từ 23 tháng Chạp với lễ cúng ông Táo và kết thúc vào ngày 7 tháng Giêng cùng lễ hạ nêu.

Gánh hàng hoa Tết Hà Nội xưa (Ảnh tư liệu).

Linh mục người Pháp Joseph Francis Tissanier sống ở thành Thăng Long từ năm 1658, ông đã trải qua 5 Tết Nguyên đán tại đây (đến năm 1663) và ghi chép lại về không khí Tết của dân thành Thăng Long thời đó: “Vào dịp này, người Việt sửa soạn mọi thứ thật long trọng, từ nhà cửa đến đồ ăn, cái mặc.

Nghèo khổ đến đâu cũng phải kiếm đủ tiền bạc tiêu dùng cho ba ngày Tết. Những người nghèo khổ phải đi ăn cắp vặt, hay cướp của người khác được sống ung dung trong những ngày Năm mới”.

Trước Tết, hàng hóa theo đường sông, đường bộ tấp nập đổ về kinh thành. Người dân đi chợ mua sắm tấp nập náo nức hơn cả đi chảy hội. Từng dòng người đi theo nhóm, ùn ùn đổ về các chợ. Ai cũng cần sắm từ lá dong, lạt buộc, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng, hoặc các loại quả ngon, đồ thờ, vàng mã… dâng cúng.

Lương thực là nguồn hàng được tiêu thụ mạnh nhất, sau đến cây cảnh, rồi vải vóc lụa là. Các loại vật phẩm được ưa dụng: gạo, heo, gà, vịt, cau, đường, trái cây, bánh, mứt… món đặc sản tươi ngon nhất của từng vùng miền được chăm chút cẩn thận để người dân, tôi tớ dâng biếu cho quan lại và nhà Vua.

Lễ cúng Táo quân được chuẩn bị khá sớm, bắt đầu từ ngày 20 và muộn nhất là ngày 23 tháng Chạp. Mâm cúng thường có bộ mũ hài Táo quân, vàng mã, gà, xôi, thủ hoặc chân giò lợn luộc, hoa quả, nhang đèn, ngoài ra còn có thêm bộ mũ áo hài cúng quan thần linh, thần tài, thổ địa và không thể thiếu ba con cá chép sống.

Cũng trong buổi cúng Táo quân, khác với Đàng Trong, người dân Đằng Ngoài đều làm lễ rút chân nhang, thay gio, làm sạch bộ đồ thờ cúng bằng nước thơm ngũ vị.

Chân nhang và đồ vàng mã còn sót lại được đốt sau khi đã “hóa” trang phục tiền cho Táo quân cùng các chư thần. Ở kinh thành, ngày cúng ông Táo cũng là ngày các thành viên trở về gia đình, dự bữa cơm sum họp.

Chợ hoa Tết Hà Nội xưa (Ảnh tư liệu).

Từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, người dân hay quan lớn cũng đều có quần áo mới, võng cáng được chùi sáng bóng, tàn lọng sửa sang, lăng tẩm lau sạch sẽ, mồ mả gia tiên được phát quang, vách, cột nhà treo câu đối và tranh vẽ, ấn dấu của vua quan được lau chùi và cất vào hộp tạm ngưng dùng, tội phạm được xét xử trước Tết, khí giới quân đội cũng cất một nơi, nếu đang có chiến tranh thì cũng tạm ngừng để ăn Tết.

Mọi sổ sách nợ nần đều được mang ra tính toán, trả hết không để vương vấn sang năm sau. Ai cũng e sợ đầu năm mà bị đòi nợ, thì coi như xui xẻo vướng nợ nần khốn khó cả năm.

Ba ngày cuối năm, nhiều người già không lưu trú trong nhà mà tới chùa xin cư ngụ, không được rời chùa ra ngoài để tránh bị quỷ vương gọi đi, cho đến trước Giao thừa thì về nhà.

Đến ngày trừ tịch, phiên chợ cuối cùng được đóng lại, nhà nhà đã được trang trí đủ đầy hoa đào, cây quất, cây cúc…thêm bình hoa mẫu đơn, hoa hải đường hay cành đào đặt lên bàn thờ, mâm ngũ quả luôn có chuối, bưởi, quất cùng hai loại quả tùy chọn khác, phổ biến là quả trứng gà vàng suộm thơm tho, cùng lọ hoa thược dược đỏ tím vàng, hoa violet, hoa lay ơn…

Buổi tối ngày trừ tịch, theo ghi chép của Linh mục người Ý Giovanni Filippo Den Marini, sinh năm 1608, đến Đàng Ngoài ở từ năm 1646 đến năm 1658, viết:

“Mỗi gia đình trồng trước nhà mình một cây khô hoặc một cây cột dài, ở đầu cột thay vì treo cờ, người ta treo một cái giỏ xung quanh dán đầy giấy vàng với niềm tin những cái giỏ dán giấy vàng kia sẽ xua đuổi tà ma và giữ ma quỷ ở chỗ của chúng, cũng giống như ở các cánh đồng, đã gieo hạt hay trong các vườn cây người ta đặt những con bù nhìn để đuổi chim. Nếu có ai bỏ qua nghi thức này, hay không quan tâm đến việc thể hiện những dấu hiệu như đã nói, sẽ bị coi “đây là ngôi nhà của ma quỷ”. Ngoài ra, người dân để đuổi ma quỷ, còn vẽ vôi trắng lên trước cửa nhà hay trên thân cây gỗ trồng trong vườn hình tam giác, hình vuông, hoặc hình con mèo.

Từ chiều, một nồi nước to lá mùi già được đun lên, để tất cả các thành viên trong nhà tắm rửa, xông hương đón chờ Năm mới. Mâm cơm cúng tất niên được sửa soạn, mâm cúng Giao thừa, ngoài trời trong nhà đã chuẩn bị đủ đầy, gia chủ sẽ cúng ở ngoài sân trước, rồi vào nhà làm lễ sau.

Đúng Giao thừa, cổng, cửa nhà được mở rộng đón chúa Xuân và linh hồn người thân, trước cửa đặt một lu nước để sẵn gáo múc cho các linh hồn về rửa chân, bên cạnh đặt đôi guốc gỗ, hiên nhà dựng hai cây mía, thường là chọn mía thân màu tím. Pháo nổ ran rát khắp nhà trên xóm dưới.

Ở cung đình, “người ta đón chào năm mới bằng ba tiếng đại bác vang khắp cả thành và các khu vực xung quanh”. Trong lúc chờ gia chủ cúng, các thành viên đều mặc áo mới, chờ đợi ngay trong gian chính của gia đình. Khi chủ nhà xong việc bước vào, bắt đầu nghi thức lễ mừng Năm mới. Con lạy cha mẹ, tôi tớ lạy chủ nhà. Tiền được chuẩn bị sẵn để con mừng thọ bố mẹ già, bố mẹ mừng tuổi con nhỏ, chủ mừng tuổi tôi tớ.

Sau Giao thừa cho đến mồng Một, cả nhà ở bên trong nhà, không được ra ngoài, để đón khách quý xông đất đầu năm. Người khách xông nhà mang ý nghĩa đặc biệt bởi mang may mắn cho gia đình vào Năm mới, vì vậy, nếu người khách hợp tuổi, lại có sẵn địa vị, giàu tiền tài, tâm nhân đức, thì thật là niềm cát tường.

Sau khi tạm biệt vị khách xông nhà, các thành viên trong gia đình bắt đầu rời nhà để lễ Tết. Các vị quan từ sáng sớm đã có mặt tại cung điện để diện kiến nhà Vua thật nghiêm trang rồi sau đó cùng Vua dự buổi rước long trọng dự đàn tế lễ Trời Đất mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu suốt quanh năm.

Cũng theo Linh mục Giovanni Filippo Den Marini, đầu Năm mới mà mưa lớn, thì được coi là điềm lành, nếu như mưa ướt hết những người tham dự lễ ngoài trời, thì ai càng ướt nhiều càng gặp nhiều may mắn tương ứng suốt năm.

Trong khi các quan và Vua đi làm lễ tế Đất Trời, thì dân chúng nô nức đi lễ chùa. Chùa vào ngày đầu Năm mới luôn đông nghẹt. Trước cổng chùa, nhiều người mau mắn đứng bán hương nhang, hoa và gói muối phục vụ người đi lễ. Khác với đàng trong, kiêng kị hái hoa quả bẻ cành, người dân Kinh thành lại hăm hở hái lộc mang về đặt lên bàn thờ gia tiên.

Đạo Phật rất có ý nghĩa với đời sống tâm linh của người dân kinh thành. Các nhà sư luôn có mặt trong các lễ nghi lớn từ trong chùa cho đến cung điện.

Rời chùa, người dân đi thăm hỏi chúc Tết họ hàng, làng xóm và cứ thế tiệc tùng suốt ba ngày Tết. Tiệc cỗ Tết của người dân kinh thành rất phong phú đủ các loại, nhà giàu thì ăn từ thịt gà, thịt lợn, thịt bò, đến thịt rắn, thịt voi…

Còn bất kể giàu nghèo, thì mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng ăn kèm với dưa hành, canh nấm, măng mọc, đĩa thịt gà, đĩa cá trắm kho riềng, thịt nấu đông… ngoài ra còn có chè kho, chè con ong để tráng miệng.

Mâm cỗ Tết của dân kinh thành, thể hiện rõ sự khéo léo, đảm đang, tinh tế, cầu kỳ từ chọn nguyên liệu đến nấu nướng. Nhìn một mâm cỗ, có thể biết được địa vị, kinh tế chủ nhà ra sao.

Người dân thường ăn cỗ trên một cái chiếu trải dưới đất, còn người có tiền của, bữa ăn được dọn trên một cái bàn tròn thấp sao cho người ăn vẫn có thể ngồi dưới đất để ăn, quan lại thì dùng tiệc trên phản trải chiếu.

Sau ăn cỗ bày tiệc, người dân tham gia các trò chơi đầu năm như thi nấu cơm ngon, thì ném lao, đấu kiếm gỗ, đấu vật, chọi gà. Trò chơi ưa thích nhất của nam thanh nữ tú là chơi đu, bắt chạch trong chum…

Thường đến mồng Ba, người dân làm mâm cúng hóa vàng, tiễn ông bà ông vải, kết thúc việc cúng tế cỗ hàng ngày nơi bàn thờ gia tiên.

Mồng Bảy, cây nêu trước cửa nhà được hạ xuống báo hiệu Tết đã kết thúc, tuy nhiên, phải đến ngày Rằm tháng Giêng, người dân mới có thể bắt nhịp trở lại với công việc buôn bán, đồng áng hàng ngày.

Mỗi gia đình trồng trước nhà mình một cây khô hoặc một cây cột dài, ở đầu cột thay vì treo cờ, người ta treo một cái giỏ xung quanh dán đầy giấy vàng với niềm tin những cái giỏ dán giấy vàng kia sẽ xua đuổi tà ma và giữ ma quỷ ở chỗ của chúng, cũng giống như ở các cánh đồng, đã gieo hạt hay trong các vườn cây người ta đặt những con bù nhìn để đuổi chim. Nếu có ai bỏ qua nghi thức này, hay không quan tâm đến việc thể hiện những dấu hiệu như đã nói, sẽ bị coi “đây là ngôi nhà của ma quỷ”- theo Linh mục Giovanni Filippo Den Marini.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết Thăng Long thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO