Công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lào Cai gặp một trở lực lớn là vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Gần 100% cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đều trở thành những hộ “nghèo bền vững”. Do đó, Lào Cai đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tháo gỡ nút thắt trong phòng, chống tảo hôn trên địa bàn.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, 8 tháng đầu năm 2023, trong tổng số 866 trẻ được sinh ra thì có tới 106 trẻ là con của phụ nữ dưới 18 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,2%. Trong đó, xã Lùng Phình là xã có tỷ lệ phụ nữ sinh con trước 18 tuổi cao nhất, chiếm 21,6%. Con số đáng báo động này đặt ra thách thức, đòi hỏi ngành y tế và các ngành, đoàn thể, các địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt.
Bà Dương Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết, sinh con dưới 18 tuổi có rất nhiều hệ lụy. Do đó, các trường học phải quản lý tốt học sinh của mình, giáo dục cho các cháu về tình yêu, tình bạn và đặc biệt là tình dục an toàn. Tất cả các ban, ngành như Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ, đoàn thanh niên cần tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu được sự nguy hiểm của việc sinh con sớm.
Báo cáo từ các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà, thời gian gần đây, tình trạng tảo hôn mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng và không thể buông lơi việc quản lý. Để giảm thiểu tảo hôn, cốt lõi nhất, vẫn phải thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Đi kèm với tuyên truyền, cần đưa quy định của pháp luật về hôn nhân… vào hương ước, quy ước thôn, bản theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, để các bậc cha mẹ và chính mỗi bạn trẻ “nói không với tảo hôn’.
Còn tại thị xã Sa Pa, toàn huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, nắm chắc địa bàn, phát hiện sớm các trường hợp có ý định tảo hôn để vận động, ngăn chặn...
Với những cách làm này, thị xã Sa Pa đang tạo ra nhiều chuyển biến trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do đó, mới đây khi nắm được thông tin gia đình chị Vàng Thị Sung, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa có ý định cho con gái lấy chồng khi mới 15 tuổi thì chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động để chị Sung hiểu rõ những hệ lụy của tảo hôn và việc vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Được giải thích thấu tình đạt lý, chị Sung đã nhận ra sai lầm và không cho con lấy chồng sớm nữa.
Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 52%, trong đó nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại. Đây là khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở thị xã Sa Pa. Tháo gỡ nút thắt này, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường thường xuyên theo dõi, nắm bắt địa bàn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng những hình thức trực quan như qua clip, mạng xã hội, tuyên truyền qua phát thanh lưu động và đặc biệt qua hệ thống trường học.
Cô giáo Đào Thị Mai, thị trấn Sa Pa cho biết, nhà trường thường xuyên cử giáo viên chủ nhiệm đến từng hộ dân. Với những em thấy có hiện tượng lạ là nhà trường nắm bắt và báo cáo Ủy ban xã, phường để cùng phối hợp can thiệp.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thị xã có 14 trường hợp tảo hôn. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 9 trường hợp và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, các xã, phường đã thuyết phục ngăn chặn thành công 23 trường hợp là các em học sinh có ý định bỏ học để lấy chồng.
Bà Giàng Thị Lan, Phó Trưởng phòng Dân tộc thị xã Sa Pa cho biết, nâng cao nhận thức cho trẻ em ở độ tuổi sắp kết hôn cũng như nâng cao nhận thức cho bà con để bà con hiểu tầm quan trọng của việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương là việc làm vô cùng quan trọng.
Do đó, thị xã Sa Pa đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giảm 30% số trường hợp tảo hôn so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu đó, thị xã đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nói không với tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản và nguồn nhân lực cho tương lai.
Ông Phạm Hồng Thanh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai cho biết, để giảm thiểu tình trạng này cần có chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với cộng đồng đang thực hiện tốt chính sách dân số, trong đó có giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đưa các quy định về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào hương ước, quy ước của cộng đồng.
Để nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn tới, ngày 14/3/2023 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Công văn số 993/UBND-NLN về việc thực hiện tăng cường giảm thiểu tình trạng tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Trong đó có các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mục tiêu của tỉnh Lào Cai đến năm 2025 ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nâng cao nhận thức của người dân về Luật hôn nhân và gia đình. Mục tiêu này có đạt được hay không đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và các ngành liên quan.