Thắp lên ngọn lửa nhân ái

Lê Na 20/07/2017 09:05

Tháng 7- tháng cao điểm đền ơn đáp nghĩa, tháng của nghĩa cử tri ân với những người đã hy sinh vì sự bình yên trường tồn của dân tộc. Mỗi hành động đó đã và đang thắp lên những ngọn lửa nhân ái, lan toả thông điệp yêu thương, chạm tới trái tim mỗi người.


Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Quốc Trung).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, "máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Do vậy việc chăm sóc người có công đã không chỉ là trách nhiệm, lòng biết ơn mà còn là một nét đẹp, một truyền thống nhân văn của dân tộc.

Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công còn hạn chế, bất cập; có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Tổng rà soát chính sách cho người có công trong 2 năm 2014-2015 từng được xem là cuộc tổng rà soát đầu tiên kể từ năm 1954, có quy mô lớn nhất với sự tham gia mạnh mẽ của Bộ LĐTB&XH, các bộ ngành và đặc biệt là sự tham gia nỗ lực của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, chắc chắn là việc làm tri ân vô cùng ý nghĩa đối với người có công.

Việc giám sát Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng có 8 tổ chức tham gia. Trong 12 chương trình giám sát của Mặt trận, đây là chương trình đầu tiên có kết quả. Hơn 2 triệu đối tượng có chính sách đã được rà soát. Trong đó 95,75 % đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ. 4,16% là hưởng đúng mà còn thiếu. 0,09% là hưởng không đúng, hưởng sai.

Tất cả những kết quả này đều là những câu hỏi suốt mấy chục năm qua chúng ta không trả lời, không lượng hoá được. Đồng thời cũng qua lần tổng rà soát này, hơn 7.700 người đã biết đến việc đăng ký xét người có công và nộp hồ sơ xét tiếp.

Tuy nhiên, cũng chính từ những con số ấy, cho thấy, bên cạnh giá trị ưu việt của một chính sách thì vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát chưa thể bù đắp.

Là người đã từng đi qua trong chiến tranh, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch- Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng, sự đóng góp của những người lính với tổ quốc là sự đóng góp vô tư, trung thành nhất cho nên hơn bao giờ hết những hy sinh cao cả đó chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Vì thế, theo ông Vũ Trọng Kim, một trong những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay đối với việc thực hiện chính sách người có công là phải quán triệt đội ngũ những người làm chính sách từ trung ương tới cơ sở, nếu phát hiện vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách thì phải đi tới cùng sự việc.

Thực tế 10 năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công. Tuy nhiên nhiều nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được xây dựng 30 năm qua đã bị hỏng và xuống cấp bởi vậy nhu cầu xây nhà và sửa nhà cho các gia đình người có công hiện nay là hơn 280.000 căn.

Cho nên để tiếp tục trách nhiệm với người có công, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã phát động 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/72017) vừa góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ khẳng định chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người vừa tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh tới trách nhiệm và lòng biết ơn của mỗi gia đình người Việt, mỗi cơ quan, tổ chức hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.

3 tháng cao điểm cho phong trào đền ơn đáp nghĩa với những mục tiêu rất cụ thể: Không để một thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn; Các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ phù hợp; Thêm nhiều căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách.

Điều này thêm một lần nữa được Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khóa VIII và Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 7 vừa qua.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc phát động 3 tháng cao điểm là xuất phát từ kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã bàn để tiến hành phối hợp thực hiện.

Đối với những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân, Mặt trận phải có trách nhiệm thực hiện. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành sớm hoàn thiện, có cơ chế giải pháp hữu hiệu thực hiện đồng bộ đáp ứng yêu cầu nguyện vọng nhân dân. Đồng thời đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nâng cao hiệu quả hoạt động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải giúp họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú nhưng để làm được điều này cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn, đáp nghĩa.

Thực tế cho thấy, trong công cuộc đổi mới, tiếp nhận những ưu đãi từ chính sách của Nhà nước và sự tiếp sức của cộng đồng, người có công với cách mạng đã phát huy truyền thống, năng lực, sở trường của mình trong hoàn cảnh mới để xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, những gia đình văn hóa, gương mẫu của xã hội.

Đó là câu chuyện của người thương binh Hoàng Sỹ Bá trú xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã biến khu đồng đất bạc màu của mình thành trang trại, với hơn 1.500 gốc bưởi, cam xanh ngắt, trĩu quả bốn mùa. Nỗ lực ấy không chỉ giải bài toán thoát nghèo, đưa kinh tế hộ gia đình ông đi lên mà nó còn là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ, “tàn nhưng không phế”.

Đó còn là chuyện cảm động từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, trong nhiều năm qua đã trồng tặng cho các đối tượng chính sách, người có công nhiều vườn cây tình nghĩa với hàng nghìn các loại cây trong đó có các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như nhãn lồng, vải thiều…nhờ đó, sự gắn bó giữa dân với Đảng, giữa gia đình chính sách với các cấp chính quyền, giữa MTTQ với các gia đình chính sách ngày càng thêm bền chặt.

Trong những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh trong cả nước... Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương cùng các bộ, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và vận động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Mỗi hành động đó đã và đang thắp lên những ngọn lửa nhân ái, lan toả thông điệp yêu thương, chạm tới trái tim mỗi người.

Điều này càng cho thấy, chính sách đối với người có công không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là một vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, xã hội. Đền ơn đáp nghĩa không phải chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài, là một trong những vấn đề lớn gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắp lên ngọn lửa nhân ái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO