Thầy đi tìm trò

Minh Thủy 08/02/2023 07:42

Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ở các địa phương vùng sâu, miền núi lại có chuyện thầy cô giáo phải vào bản, đến tận nhà vận động học sinh đến lớp. Thầy giáo Tráng A Thào - Trường phổ thông dân tộc bán trú cơ sở xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cho biết, sau những kỳ nghỉ lễ, giáo viên của trường phải đến từng bản, gặp từng người để vận động học sinh trở lại trường.

Điều kiện kinh tế, xã hội và hoàn cảnh gia đình của học trò miền núi còn nhiều khó khăn. Việc học liên tục, học lên cao của các em không hề dễ dàng. Nhiều khi các em nghỉ học đi nương xa cùng cha mẹ, giáo viên phải leo dốc, vượt suối vào tận nương rẫy để vận động học trò đi học lại. Dẫu thế, giáo viên nơi đây, vốn được ví như những người “gieo chữ trên đá”, họ không hề nản chí. Việc làm của họ có thể được coi là khó hiểu đối với nhiều người, vì rằng nó không hề vụ lợi mà chỉ lặng thầm với công việc. Họ như những bông hoa nở đầu non, cứ tự tỏa hương khoe sắc.

Sau Tết lại đến lễ hội. Núi rừng mang vẻ đẹp mê mẩn. Học sinh vùng cao dễ dàng bị cuốn vào lễ hội mà quên cả đường đến trường. Vậy nên, các thầy cô giáo lại phải đi tìm học trò, phải tổ chức nhiều hoạt động thật vui tươi ở trường để hấp dẫn các em. Ở thành thị người ta không hình dung được việc này, vì học sinh còn phải xin đi học thêm để củng cố kiến thức. Và cũng khó tin rằng không ít trường hợp học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có bố mẹ, người thân ở gần… có em nảy sinh ý định lấy vợ, lấy chồng. Lúc đó, giáo viên phải tâm tình với các em, động viên, hỗ trợ để giữ lại tuổi thơ trong trẻo cho từng em một, như ủ ấm từng hạt giống đợi cho những ngày rét giá qua đi.

Ở Quảng Bình, nơi miền biên viễn, để thay đổi nhận thức của con em người Mã Liềng về việc học, thầy cô giáo phải thật sự tâm huyết. Giữa đại ngàn Trường Sơn, họ tâm tình với học trò, kiên trì vận động phụ huynh cho con đến trường. Câu chuyện của thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú Lâm Hóa thật xúc động. Năm học này trường có 84 học sinh, trong đó 50 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Sau Tết, nhiều học sinh không đến lớp mà theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy, rời bản đi làm thuê... Vậy là các thầy cô lại chia nhau đi "bắt" trò. Khi thầy cô vượt đường vào bản tìm thì nhiều em lại bỏ trốn. Vào bản vẫn chưa chắc tìm được trò nên thầy cô có lúc phải lặn lội khắp nơi tìm trò, chở bằng được các em đến trường.

Có trường hợp, thầy giáo phóng xe máy đuổi theo xe khách, gọi: Em ơi, về trường học đi!

Tin được không chuyện một em nữ, học sinh lớp 9 bản Cáo (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) bỏ học, bắt xe vào Nam. Biết tin, thầy hiệu trưởng đã phải xin số nhà xe, đuổi theo gần 100km để khuyên can và chở em quay lại trường học tập cùng các bạn.

Những hy sinh thầm lặng ấy thật đáng trân trọng. Bà Lê Hoàng Yến - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nói: “Các em trở lại thì bếp ấm, trường vui. Nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm vì còn một số em chưa trở lại trường”.

Nếu ở nơi khác, người ta bị ám ảnh vì những điều gì đó, thì ở đây giáo viên lại day dứt vì học sinh sau Tết không đến trường. Bà Yến kể, năm nào cũng thế, sau Tết thầy cô giáo lại tất bật đi “gom” học trò. Xế trưa, bọn trẻ lục tục về phòng ngủ, cô giáo vẫn chốc chốc nhìn điện thoại hoặc ngóng về phía cổng trường. Khay cơm trên bàn đã nguội ngắt, chỉ vì một số em mải chơi quên lịch học. Thầy cô vào bản đang chờ các em sắp quần áo, đồ dùng cá nhân để chở các em về trường.

Kể sao cho hết những tấm lòng nhà giáo vùng cao, vùng sâu. Ở đời, trò đi tìm thầy nhưng ở những nơi rất xa sương giăng đỉnh núi, thầy lại phải đi tìm trò. Cuộc sống hôm nay ồn ã, nhưng vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái cao cả, làm ấm lòng người, nhắc chúng ta phải sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy đi tìm trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO