Thay đổi môn Lịch sử thành bắt buộc: Chương trình mới liệu có bị xáo trộn?

NGUYỄN HOÀI 25/05/2022 09:59

Nhiều giáo viên, chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới bậc THPT cần thay đổi từ tự chọn thành bắt buộc. Tuy nhiên, từ nay cho đến khi năm học mới bắt đầu chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nếu thay đổi này được thực hiện, có ý kiến lo ngại cấu trúc chương trình và nội dung sách giáo khoa mới sẽ bị xáo trộn.

Một giờ học môn Lịch sử của cô và trò Trường THCS Nhật Tân (quận Ba Đình, Hà Nội).

Tranh cãi chưa có hồi kết

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với lớp 10 vào năm học 2022-2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Theo chương trình mới, học sinh học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc và được chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật. Riêng nhóm môn Khoa học xã hội, Lịch sử là môn lựa chọn khiến dư luận có nhiều tranh cãi và chưa có hồi kết.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ cân nhắc các phương án dạy môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến chuyên gia.

Cách đây ít ngày, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã báo cáo và bàn thảo về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với môn Lịch sử bậc THPT. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho biết, sau thời gian lấy ý kiến các đại biểu, đa số không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Vì vậy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, từ năm 2015, đã có những cuộc trao đổi trong giới và trong xã hội, tiếng nói chung của mọi người đều cho thấy môn Lịch sử có tầm quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng của đất nước ta. Thế nên, ông rất ngạc nhiên là tại sao vấn đề trên lại được đặt ra thêm lần nữa.

Ông Cường khẳng định: “Lịch sử là hồn cốt của dân tộc. Học lịch sử để có một thế giới quan đúng đắn, hiểu được mỗi bước đi của dân tộc để không chỉ tôn vinh những thế hệ người Việt Nam đã làm nên cơ đồ đó, mà còn biết ứng xử, dự báo để có cuộc sống bình yên, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều thách thức như ngày nay. Vậy tại sao không cho học sinh học một cách kỹ lưỡng về vấn đề này? Tôi nghĩ môn Lịch sử phải là một môn độc lập và bắt buộc”.

Môn Lịch sử cần một “cú hích”

Cần đặt môn Lịch sử ở đúng vị trí của nó là quan điểm của nhiều người. Tuy nhiên, từ nay cho tới khi năm học mới bắt đầu chỉ còn hơn 3 tháng nữa, có ý kiến lo ngại rằng nếu Lịch sử thay đổi thành môn học bắt buộc ở cấp THPT thì cấu trúc chương trình, nội dung sách giáo khoa mới sẽ bị xáo trộn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng: “Sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong”.

Còn theo bà Đoàn Thị Lê An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cần có lộ trình hợp lý để điều chỉnh chương trình sách giáo khoa cũng như để đảm bảo phù hợp các yếu tố chuyên môn.

Ở một góc độ khác, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng - giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng, với nhiều giảng viên bồi dưỡng trực tiếp giáo viên dạy chương trình mới, hầu hết đều nhìn nhận việc thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn sang bắt buộc không làm ảnh hưởng hay gây xáo trộn cho chương trình mới.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học ở bậc phổ thông và giảng dạy, đào tạo giáo viên nhiều năm qua, chuyên gia này phân tích, từ chỗ 7 môn bắt buộc với 5 môn lựa chọn từ 3 tổ hợp môn của chương trình mới thì giả sử lấy môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thứ 8, vậy sẽ lấy 4 môn trong 10 môn còn lại thành môn lựa chọn. Cách sắp xếp này sẽ không ảnh hưởng tới số tiết các môn. Số tiết môn Lịch sử cũng không thay đổi, vẫn giữ 70 tiết chủ đề, 35 tiết chuyên đề, tổng là 105 tiết.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới không đưa Lịch sử là môn học lựa chọn. Trong khi đó, Hàn Quốc đã từng đưa môn học này là môn lựa chọn, tuy nhiên sau đó tới năm 2017, quốc gia này lại sửa Lịch sử thành môn học bắt buộc. Vì vậy, ông Hưởng cho rằng, việc thay đổi Lịch sử là môn học bắt buộc sẽ bảo đảm hài hòa, hợp lòng dư luận xã hội.

Đồng quan điểm, ông Hồ Như Hiển - giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) nhìn nhận, từ nay cho đến năm học mới bắt đầu thời gian không còn nhiều, tuy nhiên việc thay đổi chương trình mới ở môn Lịch sử là thay đổi về mặt kỹ thuật, chứ không quá phức tạp. Ông Hiển đưa ra phương án, sắp xếp các chuyên đề, chủ đề theo 2 hướng bắt buộc và lựa chọn. Những chủ đề, chuyên đề bắt buộc dành cho tất cả học sinh học, còn những chủ đề, chuyên đề nâng cao dành cho học sinh lựa chọn theo tổ hợp môn Khoa học xã hội.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, dù là môn lựa chọn hay bắt buộc, thời gian tới, phương pháp dạy môn Lịch sử cần những thay đổi lớn. Để cuốn hút học sinh với môn Lịch sử, trước hết phải thay đổi, giảm tải chương trình, tránh nặng nề. Giáo viên cũng cần thay đổi, làm mới mình, tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy, thậm chí là thay đổi từ cách nghĩ. Lịch sử cần có một “cú hích” để môn học ở đúng vị trí, tầm quan trọng của nó.

“Lịch sử là hồn cốt của dân tộc. Học lịch sử để có một thế giới quan đúng đắn, hiểu được mỗi bước đi của dân tộc để không chỉ tôn vinh những thế hệ người Việt Nam đã làm nên cơ đồ đó, mà còn biết ứng xử, dự báo để có cuộc sống bình yên, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều thách thức như ngày nay. Vậy tại sao không cho học sinh học một cách kỹ lưỡng về vấn đề này? Tôi nghĩ môn Lịch sử phải là một môn độc lập và bắt buộc” - PGS.TS Trần Đức Cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi môn Lịch sử thành bắt buộc: Chương trình mới liệu có bị xáo trộn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO