Thế chấp trích lục, lấy tiền xây nhà văn hóa thôn

Nguyễn Chung 05/06/2018 07:45

Sinh ra và gắn bó trên vùng đất khó nhưng với lòng nhiệt huyết và quyết tâm chung tay làm thay đổi bộ mặt quê hương, ông Lê Doãn Hạnh - Phó Chủ tịch MTTQ xã kiêm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 6, xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa đã cùng bà con nhân dân trong thôn làm được nhiều việc tưởng như không thể.

Thế chấp trích lục, lấy tiền xây nhà văn hóa thôn

Ông Lê Doãn Hạnh (bên trái) bên khu nhà văn hóa thôn 6.

Thậm chí, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ông Hạnh đã phải đem trích lục của gia đình thế chấp vào ngân hàng để có nguồn kinh phí trang trải cho việc làng.

Làm cho bằng được

Chúng tôi về xã Quảng Hùng vào một ngày nắng nóng. Đón chúng tôi ngay tại cổng nhà văn hóa thôn bằng cái bắt tay như những người thân lâu ngày gặp lại, ông Lê Doãn Hạnh chỉ vào căn nhà văn hóa thôn khá rộng rãi, khang trang và trong niềm tự hào: “Đây là thành quả, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bà con nhân dân trong thôn đấy”.

Vừa rót nước mời khách, ông Hạnh vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình xây dựng thôn 6 trở thành thôn văn hóa của xã. Vốn là một nông dân sức vóc và thuần phác, năm 2002, ông được bà con trong thôn tín nhiệm bầu vào chức trưởng thôn. Ngày ông nhậm chức cũng là thời điểm cả thôn 6 vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế của bà con chỉ trông chờ vào mấy vụ rau màu trên diện tích đất cồn bãi bạc màu, khó canh tác. Cả thôn có 148 hộ thì có tới 48 hộ nằm trong diện “nghèo bền vững”, gần như không có cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Nhìn vào cơ sở vật chất, hạ tầng, toàn thôn như một số không tròn trĩnh, không nhà văn hóa, không đường bê tông… mỗi bận loa thông báo họp thôn, cách duy nhất để bà con có chỗ họp là đến sân nhà ông. Phải làm gì đó để thay đổi bộ mặt thôn 6 luôn là câu hỏi lớn, thường trực trong suy nghĩ của ông. Nhưng “cái khó nó bó cái khôn”! Vài hướng đi được ông vạch ra song đều rơi vào tình trạng “bất khả thi” do thiếu một thứ duy nhất: Tiền! Cả thôn nghèo, vận động sức dân ư?Khó lắm!

Năm 2006, nhân được trên chọn là điểm để tổ chức Đại hội Chi bộ thôn, ông mạnh dạn đề xuất, xin xã hỗ trợ để thôn có thêm điều kiện xây dựng nhà văn hóa. Sau khi nghe trình bày, lãnh đạo xã đã cam kết sẽ hỗ trợ bà con thôn 6 số tiền 20 triệu đồng, với điều kiện thôn 6 phải là thôn đầu tiên xây dựng nhà văn hóa của xã. Ông vui vẻ nhận lời nhưng lòng lo lắng đủ bề. Để xây dựng được nhà văn hóa ít nhất cũng phải tốn trên trăm triệu đồng, ngoài số tiền được hỗ trợ, số còn lại biết tìm ở đâu? Sau khi bàn bạc với các ban ngành trong thôn và xác định, đây là cơ hội duy nhất để thôn 6 có nhà văn hóa nên khó mấy cũng phải quyết tâm làm cho được.

Ông lập tức bắt tay vào lập dự toán với tổng mức đầu tư lên đến 120 triệu đồng. Xong phần dự toán, ông cho họp dân lấy ý kiến, vận động bà con đóng góp. Theo tính toán, mỗi khẩu trong thôn phải đóng 500 nghìn đồng, phần còn lại ông và anh em cán bộ trong thôn sẽ đi vận động xã hội hóa. Khó khăn là thế nhưng ngay khi ông đưa ra ý tưởng, hầu hết người dân đều tán thành, ủng hộ. Gần như ngay lập tức, bà con đã đóng góp được số tiền 60 triệu đồng. Chỉ trong hơn 2 tháng, một khu nhà văn hóa bề thế đã mọc lên ngay ở trung tâm của thôn 6.

Niềm vui không được kéo dài, nhà văn hóa đã xây xong nhưng số tiền tính toán từ nguồn xã hội hóa vẫn chưa có, trong khi đó cần phải có tiền thanh toán cho đơn vị thi công. Bí quá, ông Hạnh không còn cách nào khác nên bàn với vợ, đem trích lục cầm cố ngân hàng để vay hơn 30 triệu đồng, thanh toán công thợ. Sau ít nhiều đắn đo, vợ ông cũng gật đầu đồng ý. “Bà ấy hiểu, việc mình làm là vì làng xã nên đã đồng ý chia sẻ trong lúc khó khăn! Đúng là thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn!” – ông Hạnh cười vui vẻ nói. Sau những khó khăn, đến nay ông và người dân thôn 6 đã xây dựng và mua sắm đầy đủ tiện nghi cho khu nhà văn hóa thôn. Đồng thời, số nợ ngân hàng do ông vay cũng đã được bà con trong thôn chung tay trả xong.

Đích đến là nông thôn mới

Sau nhiều năm miệt mài chung tay với bà con trong thôn xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội về mọi mặt, đến đầu năm 2013, ông được xã rút lên giữ chức Phó Chủ tịch MTTQ xã Quảng Hùng. Nhưng do “hổng” nhân lực ở cơ sở, cuối năm 2013, lãnh đạo xã lại động viên ông về kiêm nhiệm thêm chức Bí thư chị bộ và kiêm thêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 6.

Chương trình xây dựng nông thôn mới quốc gia như luồng gió mới đem theo sinh khí và nhiều vận hội mới để quê ông đổi thay. Dù kinh tế của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn nhưng do ông và các ban ngành trong thôn đã có kinh nghiệm trong vận động từ lần làm nhà văn hóa thôn, cùng với đó là ý thức xây dựng quê hương của người dân đã được nâng lên nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Ông Hạnh đã vận động bà con thôn 6 hiến đất, phá rỡ tường rào, chỉnh trang lại nhà cửa, đóng góp mỗi đầu khẩu 1 triệu đồng, cùng với số tiền kích cầu từ UBND tỉnh và TP Sầm Sơn để bê tông tông hóa xong 2,9 km con đường trục chính của thôn. Để giảm gánh nặng đóng góp cho các hộ khó khăn, bà con thôn 6 đều đồng tình miễn đóng góp cho các đối tượng chính sách, cao tuổi, trẻ em, quân nhân tại ngũ và người đang thi hành án…

Sau nhiều nỗ lực, dự kiến đến cuối năm 2018, người dân thôn 6, xã Quảng Hùng sẽ đón bằng công nhận thôn văn hóa cấp tỉnh và cùng toàn xã về đích trong xây dựng nông thôn mới. “Vận động nhân dân đóng góp để làm việc chung đã khó, với người dân thôn 6 xã Quảng Hùng lại càng khó hơn vì kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Điểm mấu chốt, quyết định cho thành công của thôn ở đây là sự minh bạch - mọi việc công đều được thực hiện theo đúng quy chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra! Khi dân đã hiểu và ủng hộ thì việc có khó mấy cũng hoàn thành”- ông Hạnh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế chấp trích lục, lấy tiền xây nhà văn hóa thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO