Thế giới đối diện với lạm phát

Hà Anh 02/10/2021 06:25

Thống đốc các ngân hàng Trung ương tại nhiều nước bắt đầu thừa nhận rằng, lạm phát có thể ở mức cao hơn trong thời gian dài do một loạt vấn đề đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao và nâng dự báo lạm phát trong tương lai.

Dự báo xấu

Kết luận này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách rút lại hàng nghìn tỷ đô la kích thích tiền tệ đã được tung ra để xoa dịu cuộc khủng hoảng Covid-19 một cách nhanh chóng.

Ông Charles Diebel, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Mediolanum International Funds, cho biết: “Các ngân hàng Trung ương sẽ tập trung hơn vào tăng trưởng và “đi sau một chút”. Một ví dụ điển hình là ở Đức, khi tỷ lệ lạm phát của nước này đang tăng cao nhất kể từ năm 1993. Giá tiêu dùng ở Đức trong tháng 9 vừa qua đã tăng với tốc độ chóng mặt do giá năng lượng đi lên và tác động của việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời.

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 30/9, hàng hóa và dịch vụ ở Đức trở nên đắt đỏ hơn trong tháng qua khi giá cả trung bình tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng.

Destatis cho biết, nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao là hiệu ứng của việc áp đặt trở lại khung thuế giá trị gia tăng vốn giảm trong 6 tháng cuối năm 2020 để hạn chế những tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và việc giá dầu sụt giảm.

Nguồn cung khí đốt tự nhiên hạn chế cũng góp phần đẩy giá năng lượng tăng khi đến tay người tiêu dùng, trong bối cảnh Đức đang nỗ lực đảm bảo các lô hàng mới.

Trao đổi với báo giới, ông Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), nhận định giá năng lượng “có thể sẽ vẫn ở mức cao cho đến cuối năm nay.” Điều này sẽ khiến lạm phát ở mức cao hơn 3% trong thời gian còn lại của năm trước khi chỉ số này giảm xuống dưới 2%.

Trong năm ngoái, để giảm thiểu hậu quả của đại dịch Covid-19, Chính phủ Liên bang Đức đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm với hai mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%. Chính điều này đã khiến nhiều hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn.

Nhiều nguyên nhân

Giá khí đốt của châu Âu và Mỹ đã tăng mạnh kể từ giữa năm tới nay. Dầu tăng khoảng 50% và dự kiến ​​giá dầu thô Brent sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm 2021 từ khoảng 80 USD hiện tại.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, giá khí đốt cao hơn ở châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới, do sản lượng của Mỹ chậm lại. Tại Trung Quốc, nơi lạm phát nhà máy đạt 9,5% trong tháng 8, việc cắt điện đã làm giảm sản lượng hàng hóa từ xi măng đến nhôm.

Những sự cố ngừng hoạt động này là nguy cơ đối với người tiêu dùng. Lạm phát đẩy chi phí và thắt chặt nguồn cung đầu vào có thể ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận ở đầu ra.

Bên cạnh đó, chất bán dẫn, hay còn gọi là chip như chúng đã biết, chỉ là một phần rất nhỏ nhưng đang có tác động lớn đến các nhà máy trên toàn cầu. Riêng tại General Motors, tình trạng thiếu chip đã làm giảm 200.000 xe giao trong quý 3. Cùng với việc sản lượng giảm, giá xe cũ cũng tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

Trước việc giá chip tăng, Công ty bán dẫn khổng lồ TSMC cũng đang cân nhắc mức tăng thêm lên tới 20%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ngành hàng điện tử đến ô tô, điện thoại hay máy giặt. Tuy nhiên bản thân các nhà sản xuất chip cũng phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn từ hàng hóa cho đến năng lượng.

Ông Jack Allen-Reynolds, nhà kinh tế cấp cao châu Âu tại Capital Economics, cho biết: “Có vẻ như tình trạng thiếu chất bán dẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới.

Giám đốc điều hành của Intel dự đoán, chip sẽ chiếm 1/5 chi phí sản xuất ô tô vào năm 2030, từ 4% vào năm 2019 khi các phương tiện tự lái hoặc chạy bằng điện phát triển.

Bên cạnh đó, theo một chỉ số do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tổng hợp cho thấy, giá lương thực toàn cầu đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Đây là một dấu hiệu cho thấy sức ép giá ngày càng gia tăng.

Các nhà phân tích của JPMorgan cũng cho rằng, lạm phát giá lương thực là nguyên nhân gây ra các áp lực liên quan đến đại dịch, như gián đoạn hậu cần và chi phí vận tải.

Tại các thị trường mới nổi, nơi lương thực chiếm một phần lớn trong giỏ lạm phát, điều này càng gây nhiều áp lực để thắt chặt chính sách tiền tệ. Đây không phải là vấn đề đối với các quốc gia phát triển nhưng việc tăng giá dường như không thể tránh khỏi đối với các mặt hàng như nước ngọt và đồ ăn nhẹ.

Khi giá cả tăng lên, dự báo lạm phát trong tương lai của người tiêu dùng cũng vậy, những người theo đó yêu cầu được trả lương ở mức cao hơn.

Bức tranh tăng trưởng tiền lương là trái chiều. Các cuộc khảo sát cho thấy, thu nhập trung bình hàng giờ của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 8 và dự báo lạm phát 5 năm của Mỹ đang chạy quanh mức 3%.

Trong một số lĩnh vực của Vương quốc Anh, thu nhập đã tăng tới 30% trong năm nay. Chi phí lao động khu vực đồng Euro giảm trong Quý 2 nhưng lạm phát cũng như dự báo lạm phát đang tăng lên.

“Có thể các thị trường hơi cực đoan trong việc định giá, nhưng tôi không khuyến nghị các nhà đầu tư nên từ bỏ động thái đó”, chiến lược gia cao cấp về tỷ giá của Societe Generale, Jorge Garayo nói.

Theo các nhà phân tích, các quy tắc nghiêm ngặt để hướng tới quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn cũng bị cho là gây ra “lạm phát xanh”. Như việc đóng cửa các nhà máy, phương tiện, tàu thuyền và mỏ gây ô nhiễm, từ đó làm giảm nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới đối diện với lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO