Thêm 18.600 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, người lao động?

Thuý Hằng 30/08/2020 08:00

Gói hỗ trợ thứ hai để cứu doanh nghiệp, người lao động có lẽ là thông tin được nhiều người quan tâm nhất trong tuần qua.

Doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Doanh nghiệp mong muốn thể chế thông thoáng

Chưa kịp “hoàn hồn”, vực dậy kinh doanh sản xuất, thì cú bồi Covid 19 khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) lao đao hơn, lại một lần nữa tổn thất nặng nề. Nếu như trong giai đoạn dịch Covid-19 hồi đầu năm một số DN còn sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động thì đến giai đoạn dịch Covid-19 đợt 2 này DN gần như tê liệt, ước tính có khoảng 60% DN không thể cầm cự được bên bờ vực phá sản.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nơi nơi DN phát sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động,việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Do vậy, khi Bộ LĐ – TBXH đề xuất thêm gói hỗ trợ để cứu cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi phục hồi sản xuất được quan tâm đặc biệt. Mục đích gói gỗ tiền này nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là DNNVV, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên DN nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỉ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1-9/2020 đến 1/9/2021.

Trả lời Đại Đoàn kết, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội TP Hà Nội nói: “Chúng tôi cho rằng gói hỗ trợ này là rất thiết thực cho DN, đề tạo điều kiện cho DN cầm cự trong giai đoạn hiện nay và từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Cũng theo khẳng định của ông Mạc Quốc Anh, hiện nay DN mong muốn nhất là sự thông thoáng thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cơ quan quản lý giảm bớt giấy phép con tăng hậu kiểm thay bằng tiền kiểm để DN khởi nghiệp được phát triển.

“Trong thời gian dịch Covid-19, DN bị ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng bị hủy, giảm...Vì vậy với các DN, tích luỹ được gì hay được miễn giảm gì cũng là điều rất quý. Với DN nhỏ dù khoản thuế TNDN không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… lại là vô cùng thiết thực”- ông Mạc Quốc Anh nói.

Khi DN được giảm thuế họ sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Từ đó tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, là tiền đề giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Gói hỗ trợ 1: Chưa phát huy hiệu quả

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vào hồi tháng 3, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỉ đồng.

Cụ thể, Kho bạc Nhà nước trung ương đã thực hiện giải ngân gần 12.000 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh, gồm: trên 11,5 triệu người là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí là trên 11,5 tỉ đồng; đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ trên 402.000 người với kinh phí là trên 403 tỉ đồng.

Theo đánh giá chung hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải, còn hạn chế. Cụ thể gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 17,5 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần thứ nhất để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Triển khai công tác chăm lo cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, dự tính đến hết tháng 6, TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 57.966 lao động, đạt 37,1% kế hoạch năm.

Số lượng này giảm 24,2% so với cùng kỳ, trong đó tạo việc làm cho 22.926 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 1.009 tỷ đồng.

Đồng thời tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho trên 22,2 nghìn người với số tiền 496,2 tỷ đồng. Riêng trong tháng 4 và tháng 5, Hà Nội đã tiếp nhận và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 11.576 người với số tiền hỗ trợ 254,2 tỷ đồng.

Dư nợ của các chương trình tín dụng của TP Hà Nội cho vay theo chương trình kết nối DN với ngân hàng là 548.352 tỷ đồng

Giới chuyên gia cho rằng, do tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, dù đã khống chế tốt dịch ở giai đoạn 1 nhưng chưa tranh thủ được nhiều lợi thế đã tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.

TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói, ngoài những hỗ trợ bằng tiền, việc cải thiện quy trình làm việc là một yêu cầu rất bức thiết, nhằm nhanh chóng khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới.

Trong khi đó TS Cấn Văn Lực cũng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ tài khóa hiện tại và mở rộng hơn nữa quy mô các gói này. Theo tính toán, tổng hỗ trợ ròng của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện mới chỉ gần 3% GDP, trong khi tỷ lệ bình quân ở các nước ASEAN lên tới 8-10%. Con số này cho thấy, dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam là còn khá lớn.

Ông Mạc Quốc Anh.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏvà vừa Hà Nội cho rằng, gói hỗ trợ này là rất thiết thực cho DN, đề tạo điều kiện cho DN cầm cự trong giai đoạn hiện nay và từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Hiện nay DN mong muốn nhất là sự thông thoáng thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cơ quan quản lý giảm bớt giấy phép con tăng hậu kiểm thay bằng tiền kiểm để DN khởi nghiệp được phát triển. Trong thời gian dịch Covid-19, DN bị ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng bị hủy, giảm...Vì vậy với các DN, tích luỹ được gì hay được miễn giảm gì cũng là điều rất quý. Với DN nhỏ dù khoản thuế TNDN không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… lại là vô cùng thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 18.600 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, người lao động?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO