Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? – Bài 3: Hãy học tốt một ngoại ngữ đã

Ngọc Hà 17/03/2021 06:37

Đó là quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trước việc tiếng Hàn và Đức dự định được dạy thí điểm như môn ngoại ngữ 1 - môn học bắt buộc ở lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tới đây.

GS.TS Phạm Tất Dong:

PV: Thưa ông, với quyết định chương trình tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm, các trường sẽ được lựa chọn một trong 7 thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức làm môn Ngoại ngữ 1. Quan điểm của ông về việc này?

GS.TS Phạm Tất Dong: Trước hết phải nói rõ, ở đây Bộ GDĐT cũng như các trường sẽ không bắt buộc học sinh (HS) và gia đình lựa chọn ngoại ngữ nào để học. Theo tôi biết, như nhiều trường ở Hà Nội hiện đang dạy tiếng Nga, Trung, Pháp, Nhật… khi mở lớp tuyển sinh đều xét tuyển trên tinh thần tự nguyện, gia đình có nguyện vọng viết đơn xin học vào lớp đó thì nhà trường mới xét còn không vẫn học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh như bình thường. Vì vậy, có trường dù mỗi năm đều tuyển sinh 2 lớp song ngữ Anh - Đức nhưng thực tế có năm chỉ mở 1 lớp vì HS đăng ký không đủ.

Phân tích như vậy để thấy, dù sau này tiếng Hàn và Đức có trở thành ngoại ngữ 1, tức là “bắt buộc” thì cũng là trên tinh thần tự nguyện lựa chọn theo nhu cầu của mỗi gia đình.

Nhìn lại trước khi có quyết định này, tiếng Hàn và Đức đã được Bộ GDĐT cho phép dạy thí điểm như ngoại ngữ thứ hai. Tức là HS sẽ vừa học tiếng Anh là môn bắt buộc và có thể lựa chọn thêm tiếng Hàn hay tiếng Đức để học nếu có nhu cầu. Theo tôi, cách làm này hợp lý hơn. Vì sao? Chúng ta đều biết tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế. Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa số các giao dịch với nước ngoài đều ký kết bằng tiếng Anh nên mức độ phổ biến của ngôn ngữ này mọi người đều rõ. HS phổ thông sau khi học tiếng Việt bắt đầu làm quen với ngoại ngữ từ lớp 3 là môn học chính thức bắt buộc và nhiều trường còn đưa ngoại ngữ vào thành môn học tự chọn từ lớp 1, lớp 2, thậm chí từ cấp học mầm non. Vậy nên là ngôn ngữ phổ thông và sử dụng rộng khắp, tức là tiếng Anh. Sau khi đã học tiếng Anh có nền tảng tốt, vững chắc, những gia đình nào có điều kiện, học sinh nào có năng khiếu thì có thể đăng ký học thêm các ngoại ngữ khác tùy theo sở thích, năng lực.

Có những học sinh lựa chọn học tiếng Nga, hay tiếng Đức… từ khi học THCS nhưng sau đó đến THPT, đại học hoặc các cấp học sau lại không tiếp tục mà lại quay lại học tiếng Anh. Ông có cho rằng đây là một sự lãng phí?

-Đúng là có thực tế này bởi nhu cầu, sở thích của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau. Hôm nay có thể tôi thích học tiếng Hàn, ngày mai lại không thích và từ bỏ, không học nữa thì sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của... Chúng ta đưa các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh vào từ quá sớm, lớp 3 hay lớp 6… khi HS ở lứa tuổi còn nhỏ, đa số vẫn chưa xác định được đường hướng tương lai sau này nên việc các em bỏ cuộc giữa chừng là hoàn toàn có thể xảy ra. Với ngoại ngữ, khi không học tiếp, không sử dụng nữa, không có môi trường thường xuyên giao lưu, học tập… thì năng lực ngoại ngữ cũng sẽ dần bị kém đi. Nhất là khi các em mới học căn bản, chưa có nền tảng bền vững thì sau một thời gian không sử dụng chắc chắn sẽ quên hết. Lúc này, các em quay lại học tiếng Anh trong khi các bạn khác đã đạt được trình độ nhất định thì các em sẽ phải tăng tốc hơn rất nhiều.

Nhiều chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, học ngoại ngữ nên học càng sớm càng tốt. Với những gia đình có định hướng rõ ràng cho con sau này du học Hàn Quốc hay Đức… thì việc lựa chọn ngôn ngữ này từ sớm để học thì sao thưa ông?

-Nếu có mục tiêu sẵn ngay từ khi bắt đầu việc học, chọn ngôn ngữ này thì quá tốt. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có định hướng rõ ràng như vậy ngay từ khi bắt đầu chọn học ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Trung… Nhất là với những gia đình ở nông thôn, ở tỉnh lẻ,… khi HS không có sự tư vấn, định hướng đúng đắn từ gia đình, nhà trường, thầy cô mà chọn học ngoại ngữ theo cảm tính, theo sở thích nhất thời thì việc này sẽ rất nguy hại. Tôi ví dụ, bây giờ giới trẻ rất thích xem phim Hàn Quốc, thích nghe nhạc Hàn, thần tượng các ca sĩ, diễn viên người Hàn… nên khi nhà trường mở lớp tiếng Hàn, sẽ có những em đăng ký học vì… thần tượng. Nhưng một thời gian nữa, các em thấy tiếng Hàn khó quá trong khi thần tượng đã thay đổi rồi, các em sẽ có suy nghĩ không học tiếp nữa… Nhấn mạnh thêm, tiếng Anh cùng là ngôn ngữ Latinh nên HS sẽ dễ tiếp thu còn với tiếng Hàn, việc học sẽ khó khăn hơn nhiều.

Ông vừa nhắc đến một thực trạng - trào lưu “Hàn Quốc hóa” trong giới trẻ. Thực tế thì ở một số trường tiểu học, khi đưa tiếng Hàn vào giảng dạy, HS rất hưởng ứng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1, giới trẻ sẽ đổ xô đi học và lo ngại việc xâm lấn văn hóa từ đây. Quan điểm của ông?

- Điều này chưa xảy ra nên chưa thể dự đoán gì nhưng tôi cho rằng đây cũng là một cảnh báo để các nhà quản lý xem xét, cân nhắc. Bởi ở độ tuổi còn nhỏ, các em rất dễ bị ảnh hưởng. Ai cũng hiểu muốn học tốt ngoại ngữ, không chỉ học trên lớp, trong sách vở mà còn phải qua các hình thức khác như phim ảnh, ca nhạc, du lịch…

Tôi cho rằng, vẫn nên giữ tiếng Hàn hay tiếng Đức là ngoại ngữ 2 để HS học thêm nếu thích, còn tiếng Anh vẫn không thể bỏ. Từ thực tế triển khai dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay, có thể thấy rõ ràng, đội ngũ thầy cô giáo đạt chuẩn vẫn là một bài toán lớn. Những học sinh học tiếng Anh giỏi rất ít em không đi học thêm ngoài nhà trường. Ngành giáo dục nên đầu tư tập trung vào dạy và học thật tốt tiếng Anh rồi hãy cân nhắc đến việc đưa các ngoại ngữ khác vào chương trình học chính khóa bắt buộc. Và mở đầu, là đội ngũ giáo viên phải thật chuẩn mới hi vọng HS chỉ học tiếng Anh trong nhà trường mà vẫn có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài thay vì đổ xô đi học thêm như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? – Bài 3: Hãy học tốt một ngoại ngữ đã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO