Thêm 3 ca ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay

Bùi PHúc (tổng hợp) 26/03/2021 20:24

Các trường hợp ngộ độc đều là bệnh nhân nữ và đều sử dụng bún riêu chay tại một miếu thờ ở tỉnh Bình Dương.

Pate chay. Ảnh minh họa.

Ngày 26/3, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến sáng cùng ngày, đơn vị đã tiếp nhận thêm 3 trường hợp có cùng bệnh cảnh tương tự với bệnh nhân nghi ngộ độc Clostridium Botulinum có trong pate chay trước đó.

Bác sỹ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết trong ngày 24/3, đơn vị này tiếp nhận một trường hợp là bệnh nhân nữ (42 tuổi) có cùng bệnh cảnh tương tự với bệnh nhân đã nhập viện trước đó (khó nuốt, nói đớ, tứ chi yếu, chóng mặt).

Sau đó, trong đêm 25/3, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp tương tự, đều là bệnh nhân nữ. Các trường hợp này đều sử dụng bún riêu chay tại một miếu thờ ở tỉnh Bình Dương.

Hiện hai ca bệnh vừa vào bệnh viện đêm 25/3 đang được cho thở ôxy, sức cơ yếu. Còn hai ca đầu tiên nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, tuy nhiên sau khi được sử dụng thuốc giải độc tố clostridium botulinum - tác nhân chính được xác định có trong pate chay gây ra ngộ độc, hiện sức cơ có cải thiện tốt.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một cô gái 16 tuổi đang bị suy hô hấp, thở máy, đồng tử giãn 5 mm, sức cơ chỉ 1/5 cũng được truyền 2/3 lọ huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent vào lúc 19h30 ngày 25/3.

Sau 3 giờ, cô gái đã có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến 1h30 sáng 26/3, bệnh nhi có thể rung được cơ đùi, đồng tử 4 mm có phản xạ ánh sáng tốt.

Các bác sỹ nhận định biểu hiện lâm sàng cải thiện sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc pate do độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ra.

Các y bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang tiếp tục điều trị tích cực cho các bệnh nhân.

Như vậy, tính đến sáng 26/3, đã có 6 trường hợp ngộ độc do ăn pate chay tại Bình Dương, trong đó có 4 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được gia đình xin về.

Trước đó, như đã đưa tin, trong năm 2020 đã có nhiều trường hợp cũng bị ngộ độc pate chay.

Cụ thể, theo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 30/7/2020, bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho 5 trường hợp có biểu hiện bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn cùng một loại thực phẩm pate chay đóng hộp. Đó là cặp vợ chồng cùng cư ngụ tại Khánh Hòa là anh H.M.C. và chị N.Đ.H.O.

Theo đó, ngày 19/7/2020, hai vợ chồng anh này cùng ăn pate chay thì đến ngày 20/7, người chồng đột ngột nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt. Anh C. nhập Bệnh viện Khánh Hòa điều trị sau 4 ngày nhưng tình trạng bệnh nặng hơn, nói khó, khó thở nhẹ nên được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/7 trong tình trạng tỉnh, tự thở nhanh, sụp mi mắt trái hơn mắt phải, sức cơ tứ chi 5/5. Người vợ tới ngày 21/7 bị buồn nôn, mệt mỏi. Đến ngày 24/7 xuất hiện thêm các triệu chứng mờ mắt, sụp mi mắt, nuốt khó, nói khó và nhập viện.

Ba người còn lại cũng nhập viện là bạn bè, trong đó 2 người ngụ tại Đồng Nai và 1 người ngụ tại Vũng Tàu, gồm: N.T.T. (20 tuổi), N.T.N.T. (24 tuổi), T.T.G. (26 tuổi). Ngày 24/7, cả 3 người cùng ăn pate chay. Sau đó, từ ngày 25 đến 26/7, đột ngột nôn ói, đau thượng vị, nói khó... nhập Bệnh viện Đồng Nai, Bệnh viện Bà Rịa. Từ ngày 27 tới 30/7 cả 3 đều nhập Bệnh viện Chợ Rẫy. Tình trạng lúc nhập tỉnh, không sốt, sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi 2-3/5.

Các bác sĩ cho biết 5 bệnh nhân trên bị ngộ độc Botulinum, đây là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình nhân đôi bào tử.

Cũng trong ngày 30/8/2020, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM cho biết đơn vị này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân (ngụ ở Long An, là chị em) với triệu chứng liệt cơ hô hấp, liệt thân, khó nuốt thức ăn phải thở máy. Bước đầu xác nhận cả 2 đã từng sử dụng thực phẩm là pate chay. Sau 2 tuần điều trị, hiện người em đã hồi phục, cai máy thở nhưng cử động chân tay còn yếu. Người chị nặng hơn, phải thở máy nhưng vẫn tỉnh táo, có thể giao tiếp bằng cử chỉ.

Pate chay có thể chứa độc tố mạnh, đó là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 3 ca ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO