Thêm nhiều địa phương đón học sinh tới trường

Đoàn Xá 04/01/2022 07:01

Hôm nay 4/1, học sinh (HS) khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 của TP Hồ Chí Minh chính thức đi học trực tiếp. Nhiều tỉnh thành khác như Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai… cũng cho phép HS một số khối lớp chuyển sang học trực tiếp.

Để đón học sinh quay trở lại học trực tiếp, các trường đã chuẩn bị rất kỹ, nhất là việc thực hiện 5K. Ảnh: Quang Vinh.

TP Hồ Chí Minh: Hơn 90% học sinh trở lại trường

Với khối 7, 8, 10 và 11 của TP HCM, đây là đợt trở lại trường đầu tiên sau gần 8 tháng học trực tuyến. Cùng với khối 9 và 12, TP HCM hôm nay có hơn 680.000 HS học trực tiếp.

Trước đó, TP HCM đã tổ chức khảo sát và có từ 60-80% phụ huynh các trường THCS, THPT đồng thuận với việc để 4 khối 7, 8, 10 và 11 học trực tiếp. Thống kê của Sở GDĐT, hiện có 478 trường THCS, THPT, giáo dục thường xuyên đã tổ chức dạy trực tiếp.

Tỷ lệ HS đến trường là hơn 96%. Vẫn còn hơn 50 trường chưa tổ chức dạy trực tiếp, chủ yếu ở huyện Củ Chi và một số trường ngoài công lập.

Riêng xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), HS từ lớp 1 đến 12 đến trường học trực tiếp do địa phương này tình hình dịch ổn định, đảm bảo an toàn cho HS đến trường.

Thành phố cũng cho phép các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức dạy trực tiếp nhưng phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trước khi tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10, TP HCM) cho biết, bên cạnh chuẩn bị các phương án kỹ càng về phân luồng HS, bố trí giờ vào học lệch nhau 15 phút giữa các khối lớp để đảm bảo giãn cách, nhà trường cũng tổ chức họp phụ huynh HS khối 7-8. Nhà trường quán triệt tinh thần “HS đến trường phải khỏe mạnh và chỉ khi khỏe mạnh HS hãy đến trường” nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

Việc học không thay đổi khi thời khóa biểu chỉ chuyển đổi hình thức từ dạy học trực tuyến qua trực tiếp. Nhà trường bố trí số lượng cán bộ đo thân nhiệt và giám sát HS tăng gấp đôi so với 2 tuần thí điểm trước đó, quy định cầu thang di chuyển riêng biệt cho từng khối lớp.

Còn theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDĐT TP HCM) cho biết thực tế cho thấy, tỷ lệ HS đi học lại cao hơn nhiều so với kết quả khảo sát. 2 tuần thí điểm vừa qua, đã có hơn 90% HS trở lại trường dù trước đó chỉ khoảng 79% phụ huynh đồng ý, theo kết quả thăm dò ý kiến trước khi mở cửa.

Các địa phương tận dụng “thời gian vàng”

Tại Tiền Giang, UBND tỉnh quyết định cho HS khối 9 và 12 tại các cơ sở giáo dục ở các địa phương trên địa bàn trở lại trường từ ngày 3/1. Riêng huyện Tân Phú Đông, ngoài HS khối 9 và 12 đã đi học trước đó, HS khối 10 cũng trở lại trường học từ ngày 3/1. Các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến.

Tỉnh Sóc Trăng cho HS chuyển sang học trực tiếp từ ngày 4/1 đối với cấp THPT, từ ngày 10/1 đối với cấp THCS và cấp tiểu học, mầm non từ 14/2. Tại Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa quyết định từ 3/1, thí điểm cho HS lớp 9 tại 2 Trường THCS Thống Nhất và THCS Nguyễn Văn Trỗi đi học lại. Dự kiến, ngày 10/1 HS các khối 12, 9, 5 đến trường học. Ngày 17/1, HS toàn thành phố Biên Hoà đi học bình thường.

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sóc Trăng thông tin, để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học vào hôm nay, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có hướng tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho HS ngay từ những ngày đầu nhập học, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Một số điểm trường đã trang bị các bộ kit test nhanh, trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ HS mắc Covid-19, khi các em trở lại học trực tiếp.

Mặc dù đã tổ chức tuyên truyền trước đó song đại diện nhiều trường cho biết trong buổi sáng đầu tiên trở lại trường, các thầy cô sẽ tiếp tục hướng dẫn HS về công cụ nhận diện và ứng xử văn minh khi có trường hợp nghi nhiễm trong trường học, các biện pháp đảm bảo an toàn trường học cần thiết phải tuân thủ.

Từ 4/1, học sinh nhiều khối ở TP HCM tới trường học trực tiếp. Ảnh: Đoàn Xá.

Chú trọng phòng dịch

Việc đón số lượng lớn học sinh quay trở lại trường khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng từ nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT lưu ý với các địa phương khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại HS và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện, ông Thành đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho HS, cán bộ, giáo viên trong đó có việc sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và HS.

Đến thời điểm này Bộ GDĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học. Các địa phương cần tận dụng “thời gian vàng” khi đến trường học trực tiếp để dạy các nội dung cốt lõi, căn bản. Đồng thời, cần phải linh hoạt trong quá trình thực hiện nội dung; linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học tập. Có thể tiếp tục kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội: Phối hợp gia đình - nhà trường - cơ quan y tế

Các nội dung công việc cụ thể trước, trong và sau khi học sinh (HS) đến trường để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cần được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Sự phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh cũng như HS trên địa bàn là rất quan trọng. Cần chuẩn bị đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết như dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19, đồ bảo hộ và nhân lực cho lực lượng y tế trường học.

Bên cạnh việc hướng dẫn, giáo dục cho HS từ nhà trường, thầy cô thì vai trò của phụ huynh rất cần thiết để góp phần an toàn khi HS đi học trở lại. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để hướng dẫn trẻ các kỹ năng an toàn, thông báo cho nhà trường và y tế khi con em mình có dấu hiệu như ho, sốt.

Đặc biệt, các trường học cần có phòng dự trữ, cách ly để kịp thời xử lý tình huống liên quan dịch Covid-19, tránh trường hợp bị động khi xử lý các ca mắc. Khi có ca bệnh, nhà trường phải khoanh vùng, cách ly, xử lý một cách tối ưu, không để lây chéo giữa HS và các bộ phận làm việc trong trường. Vấn đề này càng phải được thực hiện tốt khi mật độ HS tăng cao.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y Tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP HCM: Bình tĩnh với F0

Ngoài cấp độ dịch, để mở cửa trường, độ phủ vaccine là tiêu chí quan trọng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa trường theo tiến độ tiêm chủng.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương có cấp độ dịch giống nhau, nhưng độ phủ vaccine là khác nhau. Những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng thấp, khi mở cửa trường, khả năng lây nhiễm cho HS (ở không gian ngoài trường học) sẽ cao hơn, dễ gây bùng dịch khó kiểm soát.

TP HCM là địa phương hội tụ đủ các yếu tố để dần mở cửa trường học vì các quận, huyện đều ở cấp độ dịch 1 và 2. Đồng thời, đến nay thành phố đã kết thúc hai đợt tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi. Theo đó, hơn 709.000 trẻ đã được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm mũi 1 là 96,6%; mũi 2 là 85,5%.

Về phương án ứng phó nếu phát hiện F0 trong lớp, chỉ cần cách ly, chăm sóc, quản lý ca nhiễm đó. Những HS liên quan được kiểm tra sức khoẻ theo quy định, lớp học vẫn có thể tiếp tục như bình thường.

Đây cũng là cách các trường học ở TP HCM xử lý các ca F0 ghi nhận trong 2 tuần thí điểm HS khối 9 và 12 đến trường vừa qua cho thấy sự chủ động, linh hoạt trên nguyên tắc tuân thủ hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương kết hợp linh hoạt với bối cảnh cụ thể cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Đ.Trân - L.Nhi (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm nhiều địa phương đón học sinh tới trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO