Tuy chỉ “dừng chân” ở Báo Giải Phóng hai năm nhưng Thép Mới - Hồng Châu đã đưa tờ báo đi vào chiều sâu thế sự và lúc nào cũng tìm kiếm phong cách riêng, để lại những ấn tượng khá sâu sắc về một nhà báo - nghệ sĩ trong sáng, vô tư, mẫu mực. Ở chiến trường, anh nổi tiếng là một nhà báo không biết sợ là gì, sống hết mình với đồng đội, đồng nghiệp và viết cũng chí tình, chí nghĩa.
Ở chiến khu, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đọc bút ký “Trường Sơn hùng tráng” của Hồng Châu. Thiên bút ký bay bổng ấy có sức cuốn hút lạ. Tôi hỏi một người bạn từ miền Bắc mới vào chiến trường: Hồng Châu là ai vậy? Bạn tôi gắt: Là Thép Mới chứ còn ai nữa! Nhưng tôi cũng chẳng biết Thép Mới là ai. Bạn tôi nói: Đó là tác giả “Cây tre Việt Nam” - một thuyết minh phim tài liệu nổi tiếng, được đưa vào sách giáo khoa cấp 2 ở ngoài Bắc. Nhưng tôi cũng chưa từng biết về “Cây tre Việt Nam”.
Tôi vừa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên miền Đông Nam bộ, chỉ nghe loáng thoáng uy danh Thép Mới chứ chưa hề được đọc tác phẩm của anh. Nhưng chỉ cần ít lâu sau thì chữ nghĩa của anh tìm đến với người đọc là chúng tôi - những chiến sĩ mới của mặt trận báo chí. Sau “Trường Sơn hùng tráng” là những thiên ký sự của Hồng Châu về Đà Nẵng, Cần Lê, Sài Gòn đã làm thành một chuỗi dài liên tục khắc họa tài tình các sự kiện lớn, bao quát cả không gian rộng lớn và cả chiều sâu lịch sử của cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai. Bút danh Hồng Châu đã trở thành quen thuộc, tự nó đứng vững, không cần phải có Thép Mới đi kèm.
Năm 1964, Hồng Châu là đặc phái viên của Báo Nhân Dân ở chiến trường miền Nam. Cuối năm 1967, anh dẫn theo phóng viên Cao Kim của Báo Giải Phóng bí mật vào Sài Gòn để chuẩn bị xuất bản Báo Giải Phóng tại đây. Mọi công việc chuẩn bị tạm xong nhưng quân ta không chiếm được Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nên báo không ra được.
Từ 1968 đến 1971, Hồng Châu là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, năm 1969 kiêm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng - sau 5 năm tờ báo ra đời và đã trải qua lắm thăng trầm. Thời điểm anh về, chiến tranh đã lan vào các cánh rừng của chiến khu Bắc Tây Ninh, chiến khu Đ, căn cứ không còn an toàn. Các cơ quan của Trung ương Cục phải dời sang bên kia biên giới. Báo Giải Phóng loay hoay hết “khổ nhỏ” đến “khổ lớn” mà vẫn không “hết khổ” vì chiến tranh ngày một ác liệt, tiếp liệu từ giấy, mực in đến mọi thứ đều thất thường.
Đời sống lúc này càng khó, cá khô mục hơn, mắm chao đắng hơn. Đất biên giới rừng thưa, những xóm Khmer nghèo xa tít. Nhưng Báo Giải Phóng thì phải xuất bản vì không thể để tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam bị gián đoạn. Với kinh nghiệm dạn dày nhiều năm và bằng nhiệt tình vì sự nghiệp báo chí giải phóng, Hồng Châu cùng ê kíp cán bộ không đông lắm đã tạo được bộ mặt mới cho tờ báo.
Nhà báo Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1925, mất ngày 28 tháng 8 năm 1991. Hôm đến tiễn biệt anh (cuối tháng 8/1991) tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp lại nhiều bạn bè, nhiều học trò và đồng nghiệp của anh đang nắm trọng trách ở nhiều tờ báo. Trong số người viếng anh, tôi gặp nhiều khuôn mặt quen thuộc từ chiến khu về, xưa là bảo vệ, là cấp dưỡng của Báo Giải Phóng đến vĩnh biệt chú Năm, anh Năm Hồng Châu. Khi nhìn anh lần cuối qua ô kính nhỏ trên nắp áo quan, tự nhiên tôi muốn được gõ cửa nhắc anh về sự có mặt của đồng đội Giải Phóng và cũng để hỏi anh: Bản thảo quyển sách hay nhất của anh, anh đã mang theo hay còn để lại cho đời?
Ngoài những số báo nửa tháng thường xuyên, Báo Giải Phóng ra nhiều số đặc biệt trong vài ba ngày về các sự kiện quan trọng, như Đại hội Quốc dân miền Nam để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (đầu tháng 6/1969), về chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát (cuối tháng 6/1969), về những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 9/1969).
Tuy chỉ “dừng chân” ở Báo Giải Phóng hai năm nhưng anh Hồng Châu đã đưa tờ báo đi vào chiều sâu thế sự và lúc nào cũng tìm kiếm phong cách riêng, để lại những ấn tượng khá sâu sắc về một nhà báo - nghệ sĩ trong sáng, vô tư, mẫu mực. “Anh Năm Hồng Châu”, “chú Năm Hồng Châu” là cách gọi thân mật của mọi người trong cơ quan dành cho anh. Hồi ấy, cũng chỉ ở tuổi bốn mươi ngoài, nhưng trông anh thật già: Già dặn lẫn già nua. Da xanh mét, răng nhuộm khói thuốc, lưng gù chữ C, bụng phệ đã teo tóp bớt.
Hồng Châu là hình ảnh mất cân đối giữa thể chất và ý chí. Ở chiến trường, anh nổi tiếng là một nhà báo không biết sợ là gì, sống hết mình với đồng đội, đồng nghiệp và viết cũng chí tình, chí nghĩa. Về căn cứ, anh xông vào những công việc của người làm “chủ báo” một cách nhiệt tình. Với những anh chị em người miền Nam, người từ các chiến trường lên chiến khu, anh đặc biệt quan tâm, chăm sóc. Không ít phóng viên đã trưởng thành và đứng vững đến ngày nay nhờ sự phát hiện chính xác của anh về năng khiếu, và sau đó, anh đã góp công đào tạo họ.
Có một điều đọng lại đậm nét về anh: Dường như anh sống để tư duy hơn là để tồn tại. Anh hút thuốc lá liên tục, suy nghĩ qua khói thuốc. Điếu thuốc sâu kèn của anh cuốn vụng về, mau tắt. Anh bập nó khi chuyện trò, khi suy nghĩ. Đang tắm, nghĩ ra điều gì đó, anh chắp tay sau tấm lưng cong cong và đi ra, người đẫm nước. Trên đường về lán, lại nghĩ ngợi điều gì đó nên lạc sang lán khác.
Nhiều khi anh gọi chúng tôi đến, hoặc anh đến chúng tôi chỉ vì một ý nghĩ bất chợt về một chủ đề cho tờ báo. Anh nghĩ cả trong bữa ăn không thịt, thiếu rau với những đồng nghiệp trẻ, với chú bảo vệ, với cô cấp dưỡng. Anh xuề xòa trong sinh hoạt, anh em gọi là đãng trí. Những nhược điểm ấy là do anh không quan tâm đến chuyện sinh hoạt thường nhật. Anh đã nghĩ ngợi rất nhiều về việc nước, việc nghề, việc đời và thân phận con người. Anh có tật hay giao đãi bằng cách “vâng, vâng” tưởng như khách sáo, nhưng không phải, anh luôn lắng nghe và nghĩ đến chuyện của người đối thoại.
Vâng, nghĩ ngợi nhiều và ít nghĩ cho mình cũng chẳng phải là hay hoàn toàn. Anh tìm được hạnh phúc bên đồng đội và đồng nghiệp nhưng lại gặp bất hạnh trong chuyện riêng tư. Bi kịch lớn của Hồng Châu là tích lũy cả thế cuộc vào tim, vào trí nhưng sau đó không tìm được người cộng sự, người bạn đường để lấy, lấy hết nó ra vào đúng những dịp cần thiết, bằng chữ, bằng lời.
Tháng 3/1975, khi trở vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Hồng Châu ghé lại Báo Giải Phóng lúc ấy đã dời tòa soạn ra vùng Thiện Ngôn trống trải, thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách trụ sở cũ khoảng một tiếng đồng hồ lội bộ để thăm đồng nghiệp và để thông tin quyết tâm chiến lược của Trung ương, khẳng định với anh em rằng cuộc kháng chiến sẽ kết thúc bằng thắng lợi ngày một ngày hai. Siết tay tôi, anh nói: “Thời cơ cách mạng đã tới. Phải biết tận dụng thời cơ này để làm báo, để viết báo”.
Suốt mười năm tiếp theo, tuy có xuất hiện nhiều trên các báo và có những tác phẩm công phu như “Thời dựng Đảng”, “Ðiện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam”, nhưng quyển sách lớn nhất của anh lại là quyển tập hợp những bài viết từ Điện Biên Phủ đến ngày 30/4/1975. Như vậy là 10 năm sau chiến tranh, anh vẫn chưa cho ra đời quyển sách quan trọng nhất của cuộc chiến đấu dài lâu mà anh là người may mắn được chứng kiến ở những vị trí nơi cái nhìn luôn tỏa rộng và cả nơi trận mạc đầy hy sinh, mất mát.