Thi tốt nghiệp THPT: thay đổi để phù hợp – Bài 2: Để kết quả học và thi không “vênh” nhau

Lam Nhi 28/03/2023 06:20

Một trong điểm mới rõ nét của dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 so với kỳ thi hiện hành là tăng số môn thi bắt buộc từ 3 lên 4 môn. Điều này có ý nghĩa thực sự hay không khi mà nhiều chuyên gia đã từng chia sẻ là học Lịch sử không phải để đi thi?

Học sinh Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) trong chuyến trải nghiệm thực tế, tìm hiểu lịch sử tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An và khu di tích Côn Sơn (Hải Dương).

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 viết theo cách tiếp cận năng lực và phẩm chất, không tiếp cận nội dung như sách giáo khoa (SGK) chương trình 2006. Giáo viên cần chuyển từ dạy tiếp cận nội dung sang dạy tiếp cận năng lực, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh thì mới hy vọng không có những kết quả gây ngạc nhiên như học bạ dẫn đầu, nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT lại xếp cuối như các mùa tuyển sinh vừa qua.

Đâu phải cứ thi mới cần học

Chuyển từ môn học tự chọn thành bắt buộc, Lịch sử tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa môn này vào danh sách các môn thi bắt buộc trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu nhìn từ điểm số của môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT qua các năm, dù là học sinh chủ động chọn thi môn này thì nhiều năm Lịch sử giữ vị trí đội sổ trong các môn thi với điểm trung bình đều dưới 5. Riêng năm 2022, điểm thi môn Lịch sử bất ngờ nhảy vọt lên trên trung bình và là môn thi có nhiều điểm 10 (1.779 điểm 10). Đây là một tín hiệu vui đối với nền giáo dục, cho thấy việc dạy và học môn này tại các bậc học đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ cả phía giáo viên và học sinh cũng như đổi mới trong việc ra đề theo hướng đánh giá năng lực.

Dẫu vậy, việc có nên đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc hay không, theo ông Lâm là một vấn đề. Bởi điều này đồng nghĩa với việc Bộ GDĐT đã nâng cao vai trò của môn Lịch sử, cũng phù hợp và tạo thuận lợi cho nhiều trường đại học xét tuyển đầu vào với các ngành học có liên quan. Tuy vậy, việc gia tăng thêm áp lực cho học sinh lớp 12 có cần thiết hay không bởi ở giai đoạn này, các em đã rất căng thẳng với những lựa chọn sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Một lý do khác, theo ông Lâm đó là vì học sinh vừa được làm quen với Chương trình GDPT 2018, phương pháp học, thực hành còn nhiều bỡ ngỡ nên việc tăng thêm môn thi bắt buộc cũng là một áp lực với các em.

Có con đang học lớp 10, chị Thanh Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết rất quan tâm tới dự thảo phương án thi mà Bộ GDĐT đã công bố. Bởi con chị sẽ là một trong những lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi dự kiến có nhiều đổi mới này. Theo chị Mai, không nên đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc. Bởi thực tế, việc tăng thêm môn thi thứ 4 bắt buộc khi xét tuyển vào lớp 10 THPT của Hà Nội những năm gần đây đã gặp phải những ý kiến phản đối của phụ huynh do tăng thêm áp lực cho học sinh. Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không nên tạo thêm áp lực cho học sinh, hãy để học sinh được lựa chọn tổ hợp thi mong muốn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp mà các em hướng đến.

Là giáo viên đang giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông, cô giáo Trương Thị Thu - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ở nước ta có một đặc thù thi cái gì thì sẽ học cái đó, và nếu không thi sẽ không học. Dù đây là môn học bắt buộc nhưng thực tế kiến thức lịch sử của nhiều học sinh cấp 3 bị hổng, do có định hướng thi đại học theo khối nên không chú tâm học môn này. Trong khi đó, với đặc thù giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lòng tự tôn dân tộc nên có thể nói Lịch sử là môn phải học suốt đời.

Phải là học thật, thi thật

Từ những ý kiến xung quanh việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có nên đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc hay không, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm về việc làm sao để dạy học thực chất không chỉ riêng Lịch sử mà ở tất cả các môn học trong trường phổ thông. Làm sao để giúp phát triển năng lực của người học chứ không phải dạy - học để thi cử.

Cô giáo Lê Thị Khánh - Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết, sau hơn 1 học kỳ áp dụng những thay đổi trong phương pháp truyền đạt, việc dạy và học môn Lịch sử đã có những đổi mới tích cực. Trong đó, tăng cường các hoạt động nhóm theo nhiều hình thức: Nhóm nhỏ, nhóm lớn, theo cặp đôi... để các em trình bày ý tưởng, nhận định của mình, hiểu bài để nhớ chứ không học thuộc máy móc. Thực tế cho thấy học sinh rất hứng thú với phương pháp học mới này, các em thoải mái hơn khi tiếp thu kiến thức thông qua những hoạt động cụ thể, từ đó phát huy năng lực, sự tự chủ...

Như vậy, đổi mới đã không còn là khẩu hiệu, không chỉ nằm ở trên văn bản hay SGK mà thực sự đã được thể hiện trong từng tiết học, ở phương pháp cô và trò tiếp cận kiến thức, tìm hiểu bài học, sự kiện, vấn đề. Tương tự với các môn học khác như Ngữ văn, Địa lý, Hóa học… việc thầy đọc – trò chép, lớp học im phăng phắc nghe lời giáo viên giảng bài đã không còn phù hợp. Chương trình mới, SGK mới và quan trọng là đội ngũ thầy cô tích cực đổi mới, thường xuyên cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh.

GS.TS Đỗ Thanh Bình - Tổng Chủ biên SGK Lịch sử bộ sách Cánh Diều nhấn mạnh, nếu không đổi mới và tiếp tục sử dụng phương pháp cũ “đọc – chép”, giáo viên sẽ không thể dạy được vì SGK chỉ dạy trong khoảng 15 phút là sẽ không còn nội dung gì để đọc chép.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần gắn môn học với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên…

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và hệ thống kiểm tra, đánh giá nói chung, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá để học sinh dù không thi hay xét tuyển đại học, vào cấp 3… bằng môn Lịch sử thì học sinh vẫn học. Không có chuyện không thi sẽ không học.

Làm sao để không còn sự “vênh” nhau giữa điểm học bạ và điểm thi là mối quan tâm của nhiều người sau mỗi mùa tuyển sinh với các số liệu được công bố. PGS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết hiện nay, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều trường dùng để xét tuyển đại học – cao đẳng nên mới nặng nề. Trong khi chúng ta có kết quả học bạ THPT, nếu như đánh giá đúng, thực chất theo học lực của học sinh mà không có chuyện nhân nhượng, nới tay hay cả nể thì các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết hợp cùng với các chứng chỉ, các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển thí sinh, giúp học sinh đối mặt với các kỳ thi một cách nhẹ nhàng hơn.

Ông Dong bày tỏ mong muốn các kỳ thi tốt nghiệp hay thi vào lớp 10 THPT cũng sẽ dần giảm tải. Muốn vậy bên cạnh nỗ lực của ngành giáo dục, nhà trường và giáo viên thì chính phụ huynh, xã hội cũng cần thay đổi nhận thức, không thể mọi học sinh đều giỏi văn hóa, đều xuất sắc toàn diện.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Cần thay đổi cách thi

Xu hướng hiện nay là thi đánh giá năng lực, kỹ năng, kiến thức thông qua các bài thi tổ hợp. Điều này thể hiện rõ trong cách làm của các kỳ thi riêng của các trường đại học hiện nay. Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực tư duy sẽ đo lường được nhiều mặt, giải quyết các bất cập như gian lận trong thi cử, học tủ, học lệch và học chỉ để đi thi. Ngoài ra, lượng kiến thức và kỹ năng trong tương lai sẽ thay đổi nên cần phải thay đổi cách thi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn là tổ chức thi theo từng môn học là chưa phù hợp trong khi chương trình GDPT 2018 đề ra mục tiêu đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT: thay đổi để phù hợp – Bài 2: Để kết quả học và thi không “vênh” nhau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO