Người lao động may mặc bị ngừng việc và mất việc làm gia tăng

Thanh Giang 06/04/2020 08:00

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu sợi giảm 16% do thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất là Trung Quốc ngưng hoạt động một số nhà máy dệt. Giá trị xuất khẩu hàng may mặc giảm 2,3% do sự sụt giảm nhu cầu hàng may mặc tại Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đến tháng 3, tình hình dịch bệnh bắt đầu chuyển biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến nhiều khách hàng ở hai thị trường này đã thông báo giãn hoặc hủy các đơn hàng may mặc. Dự báo, quý 2/2020 là giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất và nhiều doanh nghiệp có khả năng mất thanh khoản do vốn bị tồn đọng ở nguyên phụ liệu và thành phẩm, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động.

Ông Tsao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên thời gian qua đã có 33 doanh nghiệp (DN) trong khu bị ảnh hưởng, gần 7.000 lao động ngừng việc và mất việc, trong đó có 6.000 lao động bị ngừng việc tạm thời và 1.000 lao động mất việc do DN thu hẹp sản xuất. Trong đó, lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng nhiều nhất vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Tương tự với những khó khăn mà DN nói chung, DN dệt may nói riêng gặp phải, tại Đồng Nai, một số DN thực hiện kế hoạch giảm giờ làm, tạm ngừng sản xuất. Trong 29 DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có 10 DN với hơn 12.000 công nhân phải giảm giờ làm, 15 DN cho lao động nghỉ việc không hưởng lương, 4 DN giải thể buộc gần 1.600 lao động mất việc.

Đề cập đến những khó khăn, thách thức mà ngành dệt may đang đối diện, trước đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo 30% số lao động của ngành dệt may sẽ thiếu việc làm trong tháng 4 và 50% số lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 5. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.000 tỷ đồng. Theo ước tính của các DN thực hiện khảo sát về tác động của Covid-19, một DN quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả khoảng 3 – 4 tỷ đồng. Một số DN lớn có từ 5.000 – 10.000 lao động thì số tiền phải trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Các DN lớn trong ngành dệt may ước tính, có 2 kịch bản xảy ra trong thời gian tới. Thứ nhất, nếu dịch kết thúc vào tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6 thì ngành dệt may ước tính thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Thứ hai, trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài sau tháng 5 thì sẽ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động may mặc bị ngừng việc và mất việc làm gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO