Nỗ lực thâm nhập thị trường ngoại

Thanh Giang 28/08/2019 07:59

Hội nhập kinh tế thế giới tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên để phát triển tốt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu rõ văn hóa tiêu dùng của thị trường từng quốc gia, đặc biệt không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nỗ lực thâm nhập thị trường ngoại

Xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Cơ hội nhiều

Theo thống kê, 8 tháng năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 47,11 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 26,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn vào kim ngạch nhập khẩu, nhiều ý kiến khẳng định, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Bởi vì chưa bao giờ sân chơi của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lại rộng lớn như hiện nay, thương mại không biên giới ngày càng thể hiện rõ.

Ông Phạm Thiết Hòa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM cho hay, ngoài các đối tác song phương truyền thống lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Việt Nam còn có 13/16 các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đơn cử như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… “Thị trường xuất khẩu quá rộng, DN cần tận dụng điều kiện thuận lợi này nhằm thâm nhập thị trường và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu”- ông Hòa nhấn mạnh.

Thông tin về kế hoạch phát triển thị trường, ông Trần Tấn Thiện-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Hello5 cho hay, thời gian qua sản phẩm của DN đang phát triển vững ở thị trường nội địa. Riêng thị trường xuất khẩu, sẽ chọn thị trường mục tiêu như Mỹ, Nhật Bản, Đức… Nhiều DN khác cũng chia sẻ, bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống, dự kiến sẽ chinh phục thị trường mới, thị trường cao cấp.

Trong khi đó, hy vọng DN xuất khẩu Việt Nam nắm tốt cơ hội phát triển, ông Nguyễn Huy Hoàng- Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel khẳng định, điều kiện tốt để DN thúc đẩy xuất khẩu rất nhiều. Thế nhưng, muốn chinh phục thị trường nào đòi hỏi phải hiểu rõ thói quen tiêu dùng của thị trường đó để đáp ứng tốt nhất có thể. Đơn cử, người tiêu dùng châu Á ưa sử dụng các sản phẩm tiện lợi. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng như bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm có hiệu quả nhanh, sản phẩm tích hợp. Còn tại Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, họ có thói quen và hành vi khác với nhóm người trẻ ở châu Á. Với lượng người tiêu dùng có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm, Mỹ và châu Âu là các thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic). Chưa hết, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, nhưng cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng. Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường này lưu ý thêm, những thị trường khó tính đang gia tăng làn sóng dịch chuyển về phía các thương hiệu quan tâm đến sự bền vững của xã hội.

Rủi ro không ít

Kỳ vọng rất nhiều vào thị trường xuất khẩu trong thời điểm hiện nay, nhưng đòi hỏi DN Việt Nam chủ động thích ứng để hội nhập tốt hơn. “DN cần chú trọng chất lượng sản phẩm. Chuẩn chất lượng trong thời gian tới là chuẩn toàn cầu chứ không còn chuẩn của Việt Nam hay chuẩn của khu Đông Nam Á. Nói chung, đòi hỏi sản phẩm có duy nhất một chất lượng”- ông Trần Tấn Thiện nêu quan điểm. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chất lượng sản phẩm trở thành chìa khóa vàng để mở cửa và phát triển thị trường nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay, DN đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất theo chuẩn quốc tế, thay đổi cách quản trị DN. Từ việc thay đổi mô hình sản xuất giúp DN tránh được các rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu, ông Phạm Thiết Hòa cho rằng, TP HCM sẽ có những giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho DN, như: hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu,… Giải pháp xuất khẩu sẽ tập trung cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ DN tham gia các chương trình khảo sát thị trường; tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo kiến thức xuất nhập khẩu. Đồng thời kiến nghị TP HCM cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Không phủ nhận điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường xuất khẩu, song chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo rủi ro rình rập DN. Thực tế cho thấy, có quá nhiều vụ khởi kiện liên quan đến hợp đồng xuất nhập khẩu. Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, 26 năm qua đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý 2.500 vụ tranh chấp. Trong đó có khoảng 50% liên quan đến hợp đồng thương mại, 50% liên quan đến xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, với những vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ DN Việt Nam bị khởi kiện 60%, 40% DN Việt Nam kiện ngược lại đối tác ngoại. Ông Châu Việt Bắc cho rằng, nguyên nhân xảy ra tranh chấp thương mại chủ yếu là do các đối tác không thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Trong trường hợp thứ nhất, khách hàng đặt cọc với nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng nhà xuất khẩu không giao hàng dẫn đến việc khách hàng khởi kiện đòi lại tiền cọc và tiền thiệt hại. Trường hợp thứ hai, đôi khi DN Việt Nam nhận được hợp đồng tốt nhưng đối tác lại không có khả năng thanh toán hoặc không nhận hàng buộc nhà xuất khẩu Việt Nam phải chuyển về Việt Nam. Khuyến cáo doanh nghiệp, nên thận trọng hợp đồng đơn hàng, lựa chọn đối tác uy tín.

* Thời gian qua đã có không ít vụ kiện liên quan đến hợp đồng xuất nhập khẩu. Trong vòng 26 năm qua, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tiếp nhận và xử lý 2.500 vụ tranh chấp. Trong đó có khoảng 50% liên quan đến hợp đồng thương mại, 50% liên quan đến xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, với những vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam bị khởi kiện 60%, 40% doanh nghiệp Việt Nam kiện ngược lại đối tác ngoại. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp thương mại chủ yếu là do các đối tác không thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Trong trường hợp thứ nhất, có trường hợp, khách hàng đặt cọc với nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng nhà xuất khẩu không giao hàng dẫn đến việc khách hàng khởi kiện đòi lại tiền cọc và tiền thiệt hại. Trường hợp thứ hai, đôi khi doanh nghiệp Việt Nam nhận được hợp đồng tốt nhưng đối tác lại không có khả năng thanh toán hoặc không nhận hàng buộc nhà xuất khẩu Việt Nam phải chuyển về Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực thâm nhập thị trường ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO