Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các DN FDI.
Tăng tỷ lệ tại các kênh phân phối
Thực tế cũng đã chỉ ra nhiều DN Việt đã khai thác tốt được thị trường nội địa, bên cạnh đó còn đưa được hàng hoá xuất ngoại rất thành công.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa cung ứng tại hệ thống trong nước, Saigon Co.op còn đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng Việt chinh phục nhiều thị trường với những sản phẩm đặc trưng.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina đã tiến hành bàn giao 2 container hàng nhãn riêng Co.op Select để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đây là hàng sản xuất trong nước, được Saigon Co.op tinh tuyển từ nhóm hàng tiêu dùng nhanh, mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD.
Kế hoạch 3 tháng cuối năm, SCD sẽ hoàn tất xuất khẩu 20 container qua thị trường nước ngoài và năm 2025 dự kiến xuất từ 120 - 150 container, với giá trị ước đạt 120 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cũng cho hay, không chỉ giữ vững thị phần trên thị trường trrong nước, Bibica đã đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu đến 17 thị trường quốc tế bao gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mongolia...
Sản phẩm bánh kẹo của Bibica đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… và trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho một số siêu thị lớn trên thế giới.
Đặc biệt mới đây, Bibica đã đạt được thỏa thuận đưa sản phẩm bánh kẹo vào hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart với dư địa tăng doanh số cao.
Giới chuyên gia nhận định, nếu như trước đây hàng hóa thương hiệu Việt Nam chưa có mặt nhiều trên thị trường quốc tế thì nay đã chiếm lĩnh thị phần tại nhiều quốc gia. Nhiều sản phẩm Việt đặt trên kệ siêu thị lớn của các nước như EU, Mỹ… chuỗi siêu thị nước ngoài, điều đó cho thấy, hàng hoá của Việt Nam được ưa chuộng và yêu thích không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường thế giới.
Nâng chất để vững chân tại thị trường thế giới
Theo đại diện Vụ châu Âu- châu Mỹ, Bộ Công thương, để xuất khẩu nhiều hơn, các địa phương cần phát huy vai trò, tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn một số thị trường thực sự có tiềm năng và tập trung vào một số DN đầu tàu để từ đó làm động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ từ 3 năm nay. Thông qua các kênh phân phối lớn, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã lên kệ các siêu thị lớn tại Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan... Hàng hóa được bày bán chủ yếu là nông sản nổi tiếng của Việt Nam như: vải thiều, thanh long, chuối, nước mắm... và tuân thủ nghiêm thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng. Trong quá khứ khi nói tới yếu tố hàng nhập khẩu, một số siêu thị tập trung vào giá cả, chất lượng và chuỗi cung ứng. Nhưng hiện tại và trong tương lai tới, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp đã thay đổi. Đó là việc nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững.
Ông Aly Ansari - Giám đốc cao cấp phụ trách nguồn cung, Tập đoàn Walmart Hoa Kỳ thông tin, Walmart luôn chú trọng những yếu tố cạnh tranh về chất lượng, giá cả, nâng cao tay nghề công nhân và giá trị bền vững. Walmart kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.
Để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống siêu thị nước ngoài, Bộ Công thương cho biết, đã triển khai Đề án “Thúc đẩy DN tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam. Đồng thời, Bộ nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp, thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
Giới chuyên gia khuyến cáo, mặc dù các DN trong nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa, nhưng để mở rộng ra khu vực và quốc tế, cần cải tiến quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ. Do đó, Việt Nam cần xây dựng các hệ thống logistics liên kết chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ thương mại điện tử nội địa mà còn giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.