Xuất khẩu nông sản và hy vọng khởi sắc

Minh Phương 07/04/2020 08:00

Dịch bệnh cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này. Các ưu đãi của hàng loạt các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước, và như vậy, xuất khẩu hàng hóa sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quí I năm nay sụt giảm so với cùng kì năm trước. Đơn cử, xuất khẩu rau quả trong quý I chỉ đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%; cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4% (lượng giảm gần 4%); cao su đạt 331 triệu USD, giảm hơn 26% (lượng giảm 33%); hạt tiêu đạt 156 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 0,9%). Riêng gạo và hạt điều lại tăng cả lượng và giá trị, cụ thể gạo đạt 653 triệu USD, tăng gần 8% về giá trị và lượng tăng hơn 1%; hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng0,8% về giá trị và lượng tăng 14,3%.

Dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng nặng nề đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông sản của nước nhà, do dịch bệnh hoành hành nên 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản sang thị trường này giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, tình hình khó khăn hiện nay là cửa xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trở nên hẹp hơn, song cũng là lúc để DN chủ động tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và thực thi.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), với EVFTA, cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt rất rõ. Song, các DN cần đổi mới tổ chức mô hình sản xuất để hàng hóa nông sản của Việt Nam có thể tận dụng được các ưu đãi từ EU.

“Đặc biệt, trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp của nước nhà còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết thì việc tổ chức lại, đổi mới mô hình sản xuất là rất quan trọng”- ông Tuấn nêu quan điểm. Đồng thời vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến mô hình hợp tác xã cần phải phát triển và mở rộng vì đây chính là cơ sở để kết nối liên kết sản xuất nhỏ lẻ của nông nghiệp Việt Nam thành sản xuất lớn.

Về câu chuyện xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với ngành hàng nông sản, Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.

Cụ thể, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này.

Bên cạnh đó, các ưu đãi của hàng loạt các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước, và như vậy, xuất khẩu hàng hóa sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông sản và hy vọng khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO