Thư Hà Nội vào Nam

TRẦN THANH PHƯƠNG 24/01/2022 14:00

Gần 30 năm (1977-2005) làm việc ở Báo Đại Đoàn Kết tại TP Hồ Chí Minh, tôi nhận được hơn 100 bức thư của anh chị em đồng nghiệp và lãnh đạo của báo  từ Hà Nội. Nhất là những năm tôi làm công tác quản lý, số thư chỉ đạo về tờ báo mà Ban Biên tập gửi vào càng dày. Phần lớn nội dung thư nói về tờ báo, vui có, buồn có, kể cả những chuyện “đau đầu” nữa. Tôi xin trích một vài đoạn ngắn từ những lá thư đó, phần lớn là thư của Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch…

Nhà báo Ngọc Thạch, nguyên Tổng Biên tập (ngoài cùng bên phải); nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập (đứng giữa) cùng Ban Biên tập tại một sự kiện do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức đầu thập niên 1990.

Đoạn thư của ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập đề ngày 2/4/1989: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã nhận lời mời làm chủ nhiệm báo ta. Đây là một vinh dự rất lớn. Số báo ra ngày 3/4/1989, dưới măng-sét có thêm dòng chữ: Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và có thêm bài viết của Chủ nhiệm.

Thư đề 25/2/1991, gửi Đặng Ngọc Nam, Trần Thanh Phương và Trần Công Tấn.

Vừa qua, ngày mồng 6 Tết âm lịch, Đảng đoàn và Ban Thư ký Mặt trận đã họp với Ban Biên tập để quyết định hướng đi và cách làm cho báo ta từ nay đến 23/1/1991, kỷ niệm 50 năm thành lập báo có mấy vấn đề chính:

Cải tiến tờ Báo Đại Đoàn Kết, tờ báo chính thống của Mặt trận, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò của cơ quan ngôn luận; phấn đấu đưa số lượng phát hành lên 30.000 tờ mỗi kỳ vào cuối năm 1991 này. Báo 8 trang, bìa 4 màu. Giá bán: 400 đồng/ tờ, in tại Hà Nội. Bắt đầu từ tháng 4/1991. Quý 4 năm 1991, báo phải chuyển sang hạch toán kinh tế, tự bù lỗ và tự nuôi nhau, theo quyết định của Bộ Tài chánh. Do vậy, một cách làm rất quan trọng là cần ra tờ báo cuối tháng từ 12 đến 16 trang, giá bán từ 500-600 đồng/ tờ, bắt đầu xuất bản quý 2 năm 1991. Đây là tờ báo chính trị, văn hóa, xã hội (chủ yếu là văn hóa, xã hội); nội dung phải phong phú, hấp dẫn, nhẹ nhàng, phục vụ đông đảo bạn đọc, bán chạy để bù lỗ, yểm trợ cho tờ chính thống về mặt tài chính, nhưng vẫn giữ bản sắc báo Mặt trận. Tờ này, in tại Thành phố Hồ Chí Minh, do anh Lê Văn Ba trực tiếp điều hành.

Một thư khác cũng của anh Thạch ngày 12/6/1991: Vừa qua, tháng 4/1991, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch cấp giấy phép cho ta ra tờ nguyệt san mà các anh đã cho xuất bản số 1 ra ngày 25/4/1991. Lúc này, tiền không có một đồng, giấy in báo lại khan hiếm, phóng viên chỉ có anh Lê Văn Ba, Trần Thanh Phương và anh Đặng Ngọc Nam, Trần Công Tấn. Anh Nam gánh trang Mặt trận của báo hàng tuần, Trần Công Tấn thì chuyên trách mục Việt kiều và văn hóa văn nghệ của tờ tuần báo. Nhưng các anh quyết tâm làm và đã ra được hai số báo.

Đúng là cứ ngồi bàn mãi thì không nên. Cần phải bắt tay vào việc. Khi có sản phẩm thì mọi người dễ dàng đóng góp ý kiến.

Nhưng đến ngày 29/6/1991, Ban Biên tập gửi thư vào cho biết: Đây là tờ nguyệt san đề cập nhiều mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác Mặt trận... Hay chuyên về vấn đề văn hóa xã hội cho nhẹ, cho vui? Qua kinh nghiệm hai số làm thử, có đồng chí cấp trên nói chưa đủ điều kiện thì tạm thời dừng lại, chưa nên ra tiếp. Vậy có nên ra tiếp hay tạm thời dừng lại? Cuối cùng thống nhất: Từ nay (tháng 7/1991), bài vở, tranh ảnh, makét của tờ Đại Đoàn Kết nguyệt san phải gửi ra Hà Nội để Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch xem và ký duyệt mới được in. Những bài chính của số báo và cả những mẩu ngắn đăng trên số báo này đều phải gửi ra cho Tổng Biên tập phê duyệt.

Thư anh Thạch đề ngày 15/3/1993, viết:

Đã có kết quả cuộc thi bình chọn 10 nhãn hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam được yêu thích nhất năm 1992, do nguyệt san trực tiếp tổ chức. Hoan nghênh các anh, đặc biệt là anh Lê Viết Dương đã thành công bước đầu. Nên tổ chức lễ trao giải thật chu đáo và long trọng. Đừng làm phiền các nhà doanh nghiệp. Các anh làm được việc này có ý nghĩa lớn lắm, là khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà báo ta là báo khởi đầu đầu tiên. Tôi cố gắng thu xếp vào dự với các anh.

Ngày 12/12/1995, thư anh Thạch viết: Tôi vừa đi Thanh Hóa về. Thanh Hóa đồng ý đăng cai Hội nghị gặp mặt “Con trung hiếu, cháu thảo hiền” toàn quốc do báo ta đứng ra tổ chức sau gần 2 năm mở cuộc thi viết về: “Ông bà cha mẹ của chúng ta”. Đây là công tác xã hội lớn của báo. Sẽ trao đổi cụ thể với anh sau. Nếu không có gì trục trặc, Hội nghị sẽ diễn ra hai ngày 19, 20/12/1995 tại thành phố Thanh Hóa, có hơn 120 đại biểu chính thức của 41 tỉnh , thành về dự. Có thể có thư của Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi hội nghị đầy tình nghĩa này. Anh Phương ra dự nhé.

Năm 1996, tại tòa soạn 2 nhận thêm một báo mới: Đại Đoàn Kết cuối tuần khổ 27x40 cm, gồm 16 trang, in ấn, phát hành tại TPHCM. Như vậy, tại miền Nam có hai tờ báo: Nguyệt san và cuối tuần, do Trần Thanh Phương trực tiếp điều hành. Số 1 tờ cuối tuần phát hành ngày 31/8/1996. Ra đời trong không khí báo chí đổi mới và sôi động, được góp tiếng nói trong muôn sắc màu của nền báo chí nước nhà là niềm tự hào của những người làm báo Mặt trận.

Báo ra được mươi số, chúng tôi nhận được nhiều tiếng khen, lời chê của bạn đọc. Đó là chuyện bình thường. Người lo lắng nhiều nhất là anh Lê Quang Cảnh, Tổng Biên tập vừa mới thay anh Thạch, là một người đầy trách nhiệm. Anh là người làm báo mực thước, luôn lo làm sao tờ báo thật sạch sẽ, nghiêm cẩn, chặt chẽ, đồng bộ. Thư nào viết cho tôi cũng với nỗi niềm lo âu.

Thư anh viết ngày 22/11/1996: Anh Trần Thanh Phương ơi, chưa bao giờ tôi mệt mỏi như hiện nay. Chuyện đời, chuyện người và cả chuyện ta... Anh P hãy tỉnh táo, gác mọi chuyện gay cấn, gai góc cho. Cái gì hơi gợn thì gạch bỏ đi để chúng ta yên tâm làm việc. Tuy chưa có gì sai trái, nhưng nhiều người “đe dọa” tôi quá.

Ngày 6/3/1998, anh Lê Quang Cảnh gửi thư vào cho tôi báo tin: Đầu tháng 4/1998, tờ báo Đại Đoàn Kết cuối tuần sẽ chuyển ra biên tập và in ấn ở Hà Nội. Về cơ bản, các chuyên mục vẫn giữ nguyên...

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Báo Đại Đoàn Kết, ngày 3/7/2001 tôi nhận được quyết định số 58/ĐĐK-BBT của Tổng Biên tập Lê Quang Cảnh phân công tôi làm trưởng Ban biên soạn Kỷ yếu báo, cùng với các anh Nguyễn Quốc Khánh và Bùi Thượng Toản. Ngày 14/7/2001, cụ Nguyễn Tiêu lúc ấy đã 80 tuổi, viết thư động viên và dặn chúng tôi. Thư có đoạn: Tôi độ này sức yếu nhiều. Viết gì dài một chút cũng khó. Đầu óc cũng bị lẫn lắm rồi. Đi đứng hay ngã. Tuổi già thế đấy.

Tuy vậy, tôi vẫn suy nghĩ về cái công trình mà các bạn trẻ đang lo mà anh là trụ cột. Do đó, tôi đã lục đống ảnh cũ và tìm ra được một lô ảnh Báo Cứu Quốc trong rừng, trong đó có ảnh ông Nam Cao rất rõ. Cả họa sĩ Trần Đình Thọ nữa. Đủ các địa phương: Bản Túm, Ruồng Khoa, Đèo Bụt, Suối Lửa... Nghĩa là những địa điểm “khỉ ho cò gáy”, nghe tên cũng đủ rùng mình.

Mình chú thích các ảnh đó (còn rõ lắm). Bao giờ Phương cần, mình gửi vào. Nhớ giữ cẩn thận. Mình rất sợ mất tài liệu. Vì mấy chục năm nay mình giữ tờ Cứu Quốc số 1, lấy được trong hồ sơ của sở mật thám, có cả dấu sở liêm phóng hẳn hoi, thế mà lúc về hưu, trao lại cho thư viện, nay mất đi đâu rồi! Tiếc quá!.

... Thì giờ ít, tiền không có nhiều. Người cũng thiếu. Thôi thì liệu cơm gắp mắm vậy. Mong Phương giữ vững được ngọn lửa. Hy vọng ở các bạn trẻ sẽ thành công cuốn kỷ yếu 60 năm báo ta!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư Hà Nội vào Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO