Thực hiện nghiêm túc việc công khai kết luận thanh tra

Dạ Yến (thực hiện) 21/02/2017 10:00

Khẳng định với Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai kết quả thanh tra, có sự kiểm tra, giám sát từ phía xã hội có ý nghĩa rất to lớn trong cuộc sống. Điều này sẽ góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, chí công, vô tư.

Ông Ngô Sách Thực.

PV:Thưa Phó Chủ tịch, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc công khai kết quả thanh tra nhưng thực tế cho thấy, việc công khai kết quả thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc, còn có những biểu hiện hạn chế công khai kết quả thanh tra, cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Việc công khai kết quả thanh tra là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức và đơn vị. Các quy định hiện hành như Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Thanh tra; Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định khá cụ thể.

Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc công khai kết quả thanh tra bước đầu được quan tâm, một số vụ việc sau kết luận đã tổ chức họp báo có tác dụng tốt, được nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên, qua tổng kết công tác thanh tra và theo dõi việc thực hiện công khai kết luận thanh tra vẫn còn nhiều hạn chế như các cơ quan thanh tra chưa thực hiện việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về kết quả hoạt động của các đoàn thanh tra; hình thức công khai kết luận thanh tra thường trong phạm vi hẹp, chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các hình thức công khai theo Điều 39 Luật Thanh tra, nhất là thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cung cấp; việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra còn rất ít.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của người được giao nhiệm vụ kiểm tra và người được kiểm tra, còn biểu hiện nể nang, né tránh, e ngại “phức tạp” nếu công khai. Nội dung này cần phải có sự chỉ đạo sâu sát, vào cuộc của người đứng đầu các cấp để phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra yêu cầu nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, không có yếu tố “nhạy cảm” trong công khai kết luận thanh tra, đây là vấn đề được pháp luật quy định rõ.

Điều này sẽ giúp cơ quan, những người làm thanh tra có bản lĩnh, vững vàng hơn và là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân giám sát tốt hơn hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh.

Được biết, vừa qua, tại Hội nghị kiểm điểm Quy chế phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng tình cao với kiến nghị của MTTQ Việt Nam là Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm công khai kết luận thanh tra để nhân dân giám sát. Với trách nhiệm là người phụ trách công tác dân chủ pháp luật - bộ phận tham mưu đề xuất công việc với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông có thể chia sẻ sâu hơn với Đại Đoàn Kết về kiến nghị này?

- Công bố kết luận thanh tra là một khâu quan trọng trong hoạt động thanh tra. Theo quy định của pháp luật, kết luận thanh tra phải được công khai theo nhiều hình thức nhằm đảm bảo yêu cầu minh bạch, có sự giám sát và kiểm soát. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố công khai kết luận thanh tra là một trong các giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân theo Nghị quyết TW4 (khóa XII).

Vì thế khi Mặt trận kiến nghị việc này, Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm sẽ có văn bản chỉ đạo ngay các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, sẽ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân nếu không thực hiện công khai theo quy định.

Theo đó, các quy định cụ thể theo Điều 39 Luật Thanh tra như công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo.

Đặc biệt, việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra; cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan....phải được thực hiện nghiêm túc.

Trong thời gian tới, với sự phối hợp và tạo điều kiện của Chính phủ, MTTQ Việt Nam với vai trò, trách nhiệm của mình sẽ xây dựng kế hoạch giám sát việc công khai kết luận thanh tra đồng thời lựa chọn một số nội dung giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra đã công bố mà nhân dân đang quan tâm.

Vậy theo ông, cần phải có những cơ chế gì để Mặt trận phát huy hơn nữa chức năng giám sát của mình?

- Thực tiễn cho thấy, muốn giám sát nhân dân có hiệu quả thì phải có quy định cụ thể. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, quy chế, chương trình phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến tháng 4/2017, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tổ chức giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại 5 bộ, 5 địa phương sau đó sẽ có báo cáo kết quả, rút kinh nghiệm và triển khai trên toàn quốc.

Để giám sát có hiệu quả, sự vào cuộc và đồng hành cùng giám sát của báo chí, truyền thông là rất quan trọng. Bởi để các quy định của pháp luật được thực hiện, ngoài các chế tài bắt buộc, ý kiến qua giám sát, báo chí lên tiếng có tác dụng rất lớn.

Theo ông, việc tăng cường thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai kết quả thanh tra, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định này sẽ có tác dụng như thế nào tới cuộc sống?

- Việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai kết quả thanh tra, có sự kiểm tra, giám sát từ phía xã hội có ý nghĩa rất to lớn trong cuộc sống. Trước hết sẽ giúp người dân hiểu rằng hoạt động thanh tra là bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, của cộng đồng, trong đó có lợi ích của mình, góp phần vào bảo đảm công bằng, trật tự, kỷ cương, phép nước.

Về phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra cũng như cơ quan, đơn vị, cá nhân được thanh tra, việc công khai kết quả thanh tra sẽ góp phần ngăn ngừa vi phạm pháp luật, tạo sự minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Công khai kết quả thanh tra cũng chính là góp phần xây dựng một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, chí công, vô tư”.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra yêu cầu nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, không có yếu tố “nhạy cảm” trong công khai kết luận thanh tra, đây là vấn đề được pháp luật quy định rõ. Điều này sẽ giúp cơ quan, những người làm thanh tra có bản lĩnh, vững vàng hơn và là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân giám sát tốt hơn hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện nghiêm túc việc công khai kết luận thanh tra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO