Thực phẩm, đồ uống ‘đổ bộ’ sàn thương mại điện tử

THANH GIANG 30/12/2021 09:23

Từ khi dịch bệnh bùng phát, sản phẩm thuộc ngành thực phẩm và đồ uống đang là danh mục mới nổi trên các sàn thương mại điện tử do nhu cầu người mua tăng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống đẩy mạnh sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp (DN) ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nên quy mô sản xuất không lớn, công nghệ máy móc cũng chưa hiện đại. Chính vì vậy nên chỉ một số ít DN có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thay đổi từ mua sắm trực tiếp chuyển sang trực tuyến. Nắm bắt cơ hội trên, nhiều DN thay đổi tư duy, đẩy mạnh tiếp cận khách hàng thông qua cuộc chạy đua bán hàng online nhằm tránh sự đào thải của thị trường. Kết quả, nhiều loại thực phẩm, thức uống “Made in Vietnam” nở rộ trên chợ mạng.

Đơn cử, Grab có mục đồ ăn và đi chợ. Ở đây, người tiêu dùng có thể “thả ga” với các dịch vụ thực phẩm – đồ uống trong khoảng thời gian rất ngắn. Hay TikiNGON của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki. Sau khi khởi động, ngành hàng này đã nhanh chóng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhờ hình thức đi chợ online ngày càng được ưa chuộng. Đây cũng là ngành hàng được đầu tư lớn nhất của Tiki. Trung bình mỗi tháng, TikiNGON thu về 5 triệu lượt xem sản phẩm cùng 20.000 lượt khách hàng ổn định. Ông Hồ Danh Nghiệp, Trưởng ngành hàng TikiNGON cho hay, ngành hàng đang chuẩn bị mở rộng thị trường, hướng đến phát triển lớn mạnh trong năm 2022. Tương tự, các siêu thị lớn như Coopmart, BigC, Go!... cũng đồng loạt gia nhập hệ sinh thái TMĐT.

Theo khảo sát của Hiệp hội Lương thực – thực phẩm TP HCM, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19 đã có sự thay đổi lớn. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống; thực phẩm sạch và lành mạnh; thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ; thực phẩm tăng cường dinh dưỡng; sữa và các sản phẩm sữa; nước trái cây,… tiếp tục duy trì sức mua trên nền tảng TMĐT rất tốt. Trong đó, có nhóm sản phẩm tỷ lệ mua hàng trên kênh trực tuyến chiếm đến 91%. Giới chuyên gia nhận định, TMĐT chính là “chìa khóa” thành công cho sự phát triển của ngành thực phẩm, đồ uống. Trong bối cảnh đó, DN phải áp dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh bán hàng đa kênh trên chợ mạng để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhờ kinh doanh qua sàn TMĐT, nhiều DN Việt Nam trong ngành này đã tiếp cận được khách hàng các nước. Đơn cử, công ty TNHH Nước giải khát Tân Đô thành công trong việc đưa sản phẩm của DN tiếp cận hơn 30 quốc gia trên thế giới thông qua sàn TMĐT. Tương tự, Công ty TNHH Chocolatier Huyền Thoại Việt Nam cũng được người tiêu dùng các nước lựa chọn với sản phẩm chocolate sử dụng nguyên liệu thuần Việt.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM, tiềm năng phát triển của ngành hàng đồ uống, thực phẩm trên sàn TMĐT là rất lớn, tuy nhiên, theo bà Chi, cần tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại. Cụ thể, chúng ta chưa phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics đi đôi với TMĐT, đây chính là thách thức lớn cho DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm - đồ uống. Điểm nghẽn này cần tháo gỡ tạo thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực phẩm, đồ uống ‘đổ bộ’ sàn thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO