Thực thi chính sách vượt trội

Ngọc Quang 05/06/2023 07:05

Tuần qua, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề xuất các giải pháp tài khóa, tiền tệ tiếp thêm nguồn năng lượng cho doanh nghiệp (DN), cho người dân. Trong đó có việc giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN... Trong bối cảnh nhiều khó khăn, cần có “chính sách vượt trội”- nhiều ĐBQH nêu.

Chính sách vượt trội cũng chính là những quyết sách sớm để tiếp thêm nguồn năng lượng cho DN, xem đây là giải pháp gốc rễ để giải quyết nhiều vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Trước hết, ĐBQH cho rằng cần có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy khó khăn hàng đầu mà DN gặp phải là khó tiếp cận tín dụng, bao gồm cả nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Theo ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) thì đây chính là một trong những yếu tố làm cho DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, từ đó dẫn đến phá sản, giải thể, bán lại DN. Từ đó ông Trí đề nghị tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng, bên cạnh việc chấn chỉnh ngay tình trạng cán bộ công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và DN.

Đánh giá, góp ý, đề xuất giải pháp, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khiến cho việc hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua gặp khó khăn. Một trong những giải pháp được ĐBQH cho là gốc rễ của vấn đề là việc tăng cường “sức khỏe” cho DN. Trước mắt, những gì có thể tháo gỡ bằng thông tư, nghị định... thì Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành văn bản điều chỉnh và hướng dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo điều kiện cho địa phương phát huy nội lực, chủ động, linh hoạt hơn trong công việc, tránh làm mất cơ hội.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri đại diện cho gần 400.000 công nhân lao động ở các khu công nghiệp của tỉnh này, công nhân rất tâm tư về khó khăn hiện nay và đã nêu lên những kiến nghị về chính sách, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. “Đặc biệt là mong muốn thiết tha về tiếp cận, mua nhà ở xã hội” - bà Mỹ Dung nói.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho biết, từ khó khăn của DN đã dẫn đến “hệ lụy liền kề” là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc. “Người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy trong giai đoạn này, cả DN và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội” - bà Minh Trang nhấn mạnh và đề nghị cần nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công hiện nay; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Đặc biệt cần triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, vì đó là một chủ trương lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp.

Vốn để hỗ trợ DN, hỗ trợ cho dân cùng đó là chinh sách thuế “khoan thư sức dân” đã được đặt ra cấp bách trong bối cảnh khó khăn hiện nay. ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, việc giảm lãi suất, thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và DN thời gian qua là tốt nhưng liều lượng chưa đáp ứng được yêu cầu và chậm. Ông Lộc nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện việc “khoan thư sức dân”, yểm trợ cho DN, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cũng không nên bó gọn trong vài ngành hàng “và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng”.

Những chính sách vượt trội cần sớm hiện thực hóa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những chính sách thích hợp, những hỗ trợ tài chính dù lớn đến đâu nhưng bộ máy trì trệ không chuyển động, vẫn còn những cán bộ công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai... thì cũng sẽ không phát huy tác dụng. Vì thế, cùng với hỗ trợ tài chính, tháo gỡ về cơ chế, chính sách thì cũng rất cần rà soát lại bộ máy. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 15/10/2022: “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực thi chính sách vượt trội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO